Chính sách “chân ướt, chân ráo” cho phép bất kỳ người Cuba nào đặt chân lên lãnh thổ Mỹ được ở lại và trở thành công dân hợp pháp. Tuy nhiên, chính sách mới – có hiệu lực ngay thời điểm công bố - sẽ chuyển người tị nạn Cuba không đủ điều kiện cứu trợ nhân đạo trở về nước họ.
“Với bước đi này, chúng tôi đang đối xử với người dân Cuba giống như người di cư đến từ các nước khác” – Tổng thống Obama tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm chính quyền Havana đã chấp nhận để Washington chuyển người dân mình về nước trong trường hợp họ không đủ điều kiện cư trú. Sự nhượng bộ này được xem là trọng tâm trong các cuộc đàm phán gần đây giữa Mỹ và Cuba.
Tổng thống Obama đến thăm Cuba tháng 3-2016. |
Một quan chức cấp cao Mỹ cho hãng tin AP biết những người tị nạn Cuba bị trả về nước có thể xem xét tị nạn chính trị. Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson nhận định chính sách mới của Tổng thống Obama giúp đưa mối quan hệ giữa Washington và Havana trở nên bình đẳng với các mối quan hệ giữa Mỹ và các nước láng giềng khác.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể đảo ngược chính sách mới của người tiền nhiệm. Ông từng chỉ trích động thái cải thiện quan hệ với Cuba của Tổng thống Obama. Dù vậy, kết thúc một chính sách cho phép hàng trăm ngàn người đến Mỹ mà không cần thị thực cũng tương đồng với cam kết thực thi chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump. Vì vậy, có thể ông Trump sẽ không can thiệp.
Chính sách “chân ướt, chân ráo” được Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton ban hành năm 1995. Người dân Cuba đặt chân lên lãnh thổ Mỹ có thể trở thành công dân hợp pháp sau 1 năm. Mỹ thường miễn cưỡng trả công dân Cuba về nước nhưng chính phủ Cuba cũng thường từ chối chấp nhận công dân mình hồi hương.
Quan hệ giữa Mỹ và Cuba bị đóng băng suốt nhiều thập kỷ. Nhờ sự thúc đẩy của Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro, hai nước khôi phục lại quan hệ ngoại giao toàn diện vào năm 2015. Tổng thống Obama cũng đến thăm Havana hồi tháng 3-2016.
Hôm 12-1, các quan chức Mỹ và Cuba đã nhóm họp tại Washington để thảo luận về biện pháp chống lại nạn buôn người. Riêng những người tị nạn Cuba đến Mỹ những năm gần đây, đa số họ làm như vậy vì lý do kinh tế hoặc muốn được hưởng quyền lợi khi trở thành công dân Mỹ.
Theo NLĐ