Để quản lý và phục vụ người dân tốt hơn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng vừa chỉ đạo nghiên cứu đề án quy hoạch 3 huyện thành quận, trong đó có Bình Chánh. Những khó khăn của huyện là gì?
Hai xã đông dân nhất của huyện là Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có tổng cộng 214.000 dân - bằng nửa dân số tỉnh Bắc Kạn; thêm xã Bình Hưng 100.000 dân nữa. Ba xã này coi như gần bằng tỉnh khác. Theo đánh giá của các sở ngành, tính theo cấp huyện thì Bình Chánh hiện đang đông dân nhất nước.
Hơn 10 năm trước, thời điểm mới thành lập dân số của huyện là 240.000 người nhưng hiện đã tăng gấp 2,5 lần với hơn 625.000 dân. Mỗi năm dân số tăng bình quân bằng số dân của một xã nông nghiệp (khoảng 30.000-35.000 dân). Tình trạng tăng dân số cơ học trên địa bàn quá nhanh như vậy đã gây áp lực rất lớn trong công tác quản lý nhà nước trên mọi mặt.
Bên cạnh đó, tốc độ phát triển đô thị của huyện cũng rất nhanh, hiện có đấn 93 dự án khu dân cư. Khi các dự án này hoàn chỉnh đưa vào sử dụng thì nó trở thành một đô thị rồi chứ không còn là nông thôn, ngoại thành nữa.
Trước tình hình này, bộ máy quản lý nhà nước về chế độ chính sách không theo kịp. Cái áo nông thôn quá chật so với thực tế phát triển của huyện. Mọi thứ đều quá tải là lý do chính khiến huyện luôn là địa bàn nóng về xây dựng sai phép, môi trường, an ninh trật tự…
Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng. |
Là địa bàn vùng ven đông dân cư, đa số người từ nơi khác đến, việc quản lý an ninh trật tự của huyện có những bất cập gì?
Chúng tôi đang quản lý mô hình nông thôn trên thực tế thành thị. UBND xã, huyện phải quản lý địa bàn với đầy đủ tính chất đô thị tập trung cao cấp. Hiện, các xã của huyện chỉ có khoảng 15-20% công an chính quy, còn lại là công an viên.
Công an viên có lương khoán theo ngạch, bậc nên không có chế độ chính sách, không khuyến khích được anh em. Nếu được lên quận, công an các xã hiện tại sẽ thành chính quy hết.
Đơn cử như xã Vĩnh Lộc A có khoảng 108.000 dân, chia làm 16 ấp thì chỉ có 16 công an chính quy, còn lại là hơn 30 công an viên nên hoạt động hết sức khó khăn. Nếu được lên phường (quy định ít nhất khoảng 50-70 công an chính quy) thì lực lượng của mình mới đủ sức quản lý an ninh trật tự ở địa phương.
Đó là những thuận lợi cho cơ quan quản lý khi huyện trở thành quận, còn người dân sẽ được lợi gì hay chỉ là thay đổi tên gọi của địa phương?
Thứ nhất, người dân được lợi về phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường. Thứ hai là an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho người dân được đảm bảo hơn.
Một cái nữa dù là thứ yếu, song cũng ảnh hưởng rất nhiều đến bà con đó là giá bồi thường đất khi giải phóng mặt bằng làm dự án. Hiện, giá đất Bình Chánh áp dụng theo giá đất nông nghiệp (khoảng 150.000-250.000 đồng mỗi m2) nên đa số người dân không đồng tình dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai.
Nếu chuyển thành quận giá đền bù cao hơn vì sẽ thành "đất ở xen cài khu dân cư trong phường". Như vậy huyện có điều kiện phát triển nhanh về hạ tầng và còn đời sống của người dân ổn định hơn.
Bình Chánh hiện còn khá nhiều đất nông nghiệp, khoảng 14.000ha. Ông có ý kiến gì nếu áp dụng mô hình quản lý quận lên toàn bộ địa bàn dễ có nguy cơ xảy ra tình trạng "phố trong làng"?
Theo quy hoạch trước đây, Bình Chánh phải giữ lại đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với xã Vĩnh Lộc A và B mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh huyện không phải làm nhiệm vụ an ninh lương thực nữa mà tập trung xây dựng 2 xã này thành đô thị văn minh. Bình Chánh cần phải quy hoạch lên quận.
Đất nông nghiệp cơ cấu đến năm 2020 còn khoảng 8.000ha. Trong quá trình triển khai từ nay đến năm 2020, với tốc độ đô thị hóa nhanh như vầy huyện sẽ không còn quá 5.000ha. Khi đó sẽ chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nâng cao chất lượng nông nghiệp chứ không theo kiểu đại trà nữa.
Trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện có đến 93 dự án khu dân cư đô thị. |
Không phải đến nay vấn đề xin lên quận của Bình Chánh mới được nhắc tới, mà nhiều năm trước huyện từng xây dựng đề án lên thị xã, "số phận" đề án này đến nay như thế nào?
Thời điểm 2013 huyện lập đề án xin lên thị xã (có cả phường và xã) do phù hợp với tình hình lúc đó. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu thì TP.HCM cũng lập đề án về chính quyền đô thị với 4 thành phố vệ tinh nên huyện mới tạm ngưng.
Đến năm 2015, khi bắt đầu triển khai lại đề án thì thành phố gợi ý là lên quận luôn, hoặc thành phố trực thuộc thành phố. Mới đây Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo nên tập trung xây dựng đề án lên quận trước, để có bộ máy quản lý xã hội đô thị đủ lực. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống an toàn, đáng sống.
Lộ trình đề xuất lên quận gồm rất nhiều bước và mất khá nhiều thời gian. Huyện phải lập đề án, sau đó gửi Sở Nội vụ đánh giá, khảo sát các tiêu chí. Sau khi đạt tất cả các tiêu chí, đề án sẽ được trình Thành ủy, UBND, HĐND thành phố. Rồi tiếp theo đến các bộ ngành ở Trung ương…
Huyện đang cùng Sở Nội vụ khảo sát các tiêu chí. Nếu mọi việc thuận lợi, hy vọng trong nhiệm kỳ 2016-2021 Bình Chánh có thể được lên quận.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, hầu hết các tiêu chí huyện đều đạt, chỉ còn tiêu chí về hỏa táng (mới đạt 15%, yêu cầu phải là 30%). Tiêu chí về cảnh quan hạ tầng đô thị Bình Chánh cũng sắp đạt nhưng còn một số điểm như rác, ô nhiễm môi trường... nên huyện đang phấn đấu trồng cây xanh, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông.
Theo VNE