Trước thông tin Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Ninh khai ấn… lỗi, giới trí thức, văn nghệ sĩ tại địa phương đã có những ý kiến bình luận. Nhiều người không đồng tình với việc tổ chức khai ấn mà Hội VHNT Quảng Ninh đang làm, không chỉ bây giờ mà ngay từ lần thử nghiệm đầu tiên vào năm 2014.
Từ đâu đẻ ra ấn Hội Tao đàn?
Ông Nguyễn Xuân Vinh - nguyên Trưởng Đài Truyền thanh TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh - đề nghị: “Cần làm rõ thế nào là ấn? Khai ấn để làm gì, có ý nghĩa gì với đời sống tâm linh và cuộc sống đương đại? Ở đâu được tổ chức khai ấn?”.
Văn bản bài thơ “Đề Truyền Đăng sơn” sai lỗi đem diễu hành |
Ông Vinh cũng tỏ ra băn khoăn: “Tôi không hiểu vua Lê Thánh Tông có đúc ấn Hội Tao đàn và có khai ấn Hội Tao đàn không? Còn cái ấn được sử dụng do Hội VHNT Quảng Ninh tạo ra, tôi gọi đó là ấn của Hội VHNT Quảng Ninh hay còn gọi là ấn của ông Phạm Ngọc Thành - chủ tịch hội”.
Nguyên mẫu nào để chế ra phiên bản chiếc ấn “Tao Đàn hội Hồng Đức hiệu” (ấn của Hội Tao đàn niên hiệu Hồng Đức)? Đó là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết về cung cách, kiểu dáng chiếc ấn Hội Tao đàn được ông Phạm Ngọc Thành thiết kế có tham khảo một số chiếc ấn thời Lê, trong đó có chiếc “Phụng mệnh Bình Hải tướng quân chi ấn” (đúc vào năm Kỷ Hợi niên hiệu Hồng Đức thứ 10-1479) vừa được một nhà sưu tập đồ cổ phát hiện tại Vân Đồn. Chiếc ấn được tìm thấy làm bằng đồng, có kích thước 10 x 10 x 1,5cm. Núm ấn hình chuôi vồ, cao 10cm trên, dưới hình tròn, dáng vẻ đường bệ. Mặt ấn đúc 8 chữ triện “Phụng mệnh Bình Hải tướng quân chi ấn”.
Bàn về chiếc ấn ngay khi vừa chế tác xong vào năm 2014, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Khắc Hài (đã quá cố) - người được coi là nhà Quảng Ninh học, là thư ký của công trình Địa chí Quảng Ninh - tỏ ra cẩn trọng. Sinh thời, ông nêu câu hỏi liệu vua Lê Thánh Tông - người sáng lập và làm chủ soái Hội Tao đàn - có cho đúc ấn không? Cá nhân ông Hài chưa từng nghe nói Hội Tao đàn của vua Lê Thánh Tông có ấn và có tục khai ấn đầu năm... Vì thế, nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài lưu ý: “Hội Tao đàn Nhị thập bát tú mặc dù do đức vua sáng lập nhưng chủ yếu đóng vai trò của một tổ chức văn hóa”.
Trong khi đó, ông Đoàn Đức Chính, Hội VHNT Quảng Ninh, bình luận: “Hội Tao đàn niên hiệu Hồng Đức lần thứ nhất” của Quảng Ninh cũng chỉ như một CLB thơ mới thành lập năm 2014 nhưng lại cố tình mang niên hiệu Hồng Đức cách đây mấy trăm năm. Hà cớ gì một CLB thơ (chưa đủ lớn bằng Hội VHNT tỉnh) mà lại làm “lễ khai ấn” rầm rộ như khai ấn của nhà vua, được các lãnh đạo từ cấp trung ương đến cấp tỉnh về “đóng ấn”?! Tôi tin nếu được phân tích rõ ràng, cụ thể về giá trị cái “ấn” của CLB thơ này thì các lãnh đạo sẽ không bao giờ đến dự.
Kế thừa hay vơ vào?
Nếu Hội VHNT Quảng Ninh lấy lý do kế thừa về mặt tinh thần truyền thống yêu văn chương nghệ thuật từ “Tao đàn Nhị thập bát tú” của Lê Thánh Tông để tổ chức khai ấn thì phi lịch sử. Bởi lẽ, từ khi thành lập Hội Tao đàn cho đến lúc qua đời, vua Lê Thánh Tông không hề đặt chân trở lại Quảng Ninh. Bài thơ trên vách đá được khắc từ năm 1468, niên hiệu Quang Thuận thứ 9 khi vua Lê Thánh Tông đến địa điểm của TP.Hạ Long hiện nay. Hội Tao đàn được thành lập năm 1495. Vì thế, nếu lấy lý do kế thừa tinh thần truyền thống yêu văn chương nghệ thuật của Hội Tao đàn là… vơ vào.
Đáng tiếc là ngay cả văn bản bài thơ này khi được sao chép để đem đi rước/ diễu hành khắp TP.Hạ Long cũng lại bị sai quá nhiều khiến người am hiểu về Hán Nôm chê cười mà gọi là “văn hóa cấp phường”. Nếu nghiêm túc thì ban tổ chức đã nhờ một thư pháp gia để viết đàng hoàng.
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng trong trường hợp này, các bản ấn đóng trong lễ hội đã sai rõ ràng theo thẩm định của chuyên gia thì việc phát ấn cần phải dừng lại để không có thêm người dân mang ấn viết nhầm về nhà nữa. “Sang năm, nếu có tổ chức lễ hội cũng sẽ không dùng ấn sai đó nữa. Chúng tôi cũng sẽ xem xét để gửi công văn nhắc nhở địa phương” - bà Thủy khẳng định.
Có nên tổ chức lễ hội lồng khai ấn kiểu này nữa không? Theo ý kiến nhiều người, chỉ nên khai bút đầu Xuân là tốt rồi, đừng vẽ rắn thêm chân.
Bài thơ trở thành di sản văn hóa Năm 1468, vua Lê Thánh Tông về An Bang (nay là Hải Phòng và Quảng Ninh). Trước cảnh đẹp, nhà vua có làm chùm thơ chữ Hán. Trong chùm thơ chữ Hán viết về An Bang, bài “Đề vách núi Truyền Đăng” - từ đó mọi người gọi là núi Bài Thơ hay núi Đề Thơ - đã trở thành di sản văn hóa của tỉnh Quảng Ninh. Nguyên văn bài thơ khắc trên núi không có đầu đề, trong sách “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn viết là “Đề Truyền Đăng sơn”, phiên âm như sau: Quang Thuận cửu niên xuân nhị nguyệt, dư thân xuất lục quân, duyệt binh vu Bạch Đằng giang thượng. Thi nhật phong hòa cảnh lệ, hải bất dương ba, Hoàng Hải tuần An Bang trú sư vu Truyền Đăng sơn hạ, ma thạch đề thi nhất luật: “Cự tẩm uông dương triều bách xuyên/ Loạn sơn kỳ bố bích liên thiên/ Tráng tâm sơ cảm hàm tam cổ/ Tín thủ dao đề tốn nhị quyền/ Thần Bắc khu cơ sâm hổ lữ/ Hải Đông phong toại tức lang yên/ Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại/ Chính thị tu văn yển vũ niên/ Thiên Nam động chủ đề”. Dịch nghĩa: Tháng hai mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468), ta thân chỉ huy sáu quân duyệt binh ở trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy gió hòa cảnh đẹp, biển không nổi sóng, ta vượt qua Hoàng Hải đi tuần An Bang, đóng quân ở dưới núi Truyền Đăng bèn mài đá đề một bài thơ: “Trăm sông chầu xuống bể Đông/ Đảo bày ngan ngát, bể lồng trời xanh/ Chí hăng thoắt muốn tuần chinh/ Để giao biên trán ban hành lệnh công/ Quân hùng dán bọc thuyền rồng/ Khói lang bặt dấu, Hải Đông an nhàn/ Trời Nam còn mãi giang san/ Hãy nên xếp võ trương văn năm này” (Học giả Hoàng Xuân Hãn, 1908-1996, dịch thơ). |
Theo NLĐ