Ý tưởng tốt, thực hiện khó
Dự kiến, cuộc gặp sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Bonn của Đức từ ngày 16 đến 17-2 tới.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức, Berlin đang thảo luận với các đối tác ở Nga, Pháp, Ukraine về sự cần thiết về lợi ích của một cuộc gặp như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thăm đơn vị NATO đang làm nhiệm vụ tại Lithuania. Ảnh: AP. |
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cho rằng, tổ chức cuộc gặp giữa Ngoại trưởng bốn nước trong nhóm Normandy là một ý tưởng tốt nhằm thúc đẩy thực thi lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận Minsk và giảm tình hình bạo lực tại miền Đông Ukraine.
Sở dĩ có cuộc gặp này vì tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine đang như muốn đốt nóng cả khu vực. Thông tin của truyền thông tại chỗ cho biết, tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine nóng lên trong những ngày gần đây, khi phe đòi độc lập và lực lượng chính phủ leo thang các cuộc giao tranh.
Nhiều dân thường đã phải đi sơ tán giữa mùa đông lạnh giá do chiến sự ác liệt. Các nguồn tin cho biết, giao tranh giữa phe đòi độc lập và các lực lượng chính phủ ở Đông Ukraine đã leo thang tại thị trấn Avdiyivka, gần Donetsk. Hai bên đã cáo buộc nhau gây ra các cuộc tấn công làm nhiều người thiệt mạng, trong đó có những dân thường.
Mỗi bên một hướng
Trước tình hình ngày càng có vẻ leo thang, Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức đã điện đàm kêu gọi lập tức khôi phục lệnh ngừng bắn, chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine. "Để đạt được điều này, Thủ tướng Đức kêu gọi Tổng thống Nga dùng ảnh hưởng của ông với phe ly khai", Steffen Seibert, người phát ngôn của bà A.Merkel, cho biết.
Một đơn vị của Mỹ luyện tập cùng với binh lính Ukraine. |
Căng thẳng giữa Kiev và phe ly khai ở miền Đông Ukraine tăng mạnh trong vài ngày qua. Điện Kremlin cho rằng, phía quân đội chính phủ Ukraine có hành động khiêu khích, muốn làm gián đoạn thỏa thuận ngừng bắn Minsk, có hiệu lực từ tháng 2-2015.
Tình hình dường như có vẻ căng thẳng hơn khi trong vấn đề Ukraine, cả EU và Nga đều không có ý định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lẫn nhau. Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ tiếp tục giữ những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Phía Nga cũng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa với EU.
Những động thái này khiến cho quan hệ giữa hai bên chưa thể cải thiện kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tại khu vực miền Đông Ukraine. EU tái khẳng định sẽ làm việc với tất cả các đối tác, bao gồm cả khuôn khổ Normandy, trong đó có sự tham gia của Nga và Ukraine để tìm cách giải quyết xung đột.
Theo các Ngoại trưởng của EU, trong những ngày qua, tình hình xung đột leo thang tại khu vực miền Đông Ukraine giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi độc lập làm ít nhất 36 người thiệt mạng bao gồm cả dân thường, hàng chục người bị thương.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng bên ngoài Ukraine khi Nga báo động một số đơn vị chiến đấu quan trọng; trong khi đó, nhiều nước châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng gia tăng các hoạt động quân sự gần biên giới nước Nga.
Cụ thể, hơn 50 đơn vị thiết bị quân sự Mỹ, bao gồm xe tăng chiến đấu và xe chiến đấu cùng bộ binh đã được chuyển đến các nước quanh biên giới Nga. Ngoài quân đội Mỹ đang đến Ba Lan, các thành viên NATO như Đức, Canada và Anh cũng đang góp phần tăng cường lực lượng quân sự ở Đông Âu và điều các tiểu đoàn chiến đấu đến Estonia, Latvia, Lithuania...
Ngày 8-2, Tư lệnh Lực lượng Bộ binh NATO, Trung tướng Darryl A.Williams đã tới thăm Estonia, thảo luận với giới chức quốc phòng nước này tiến trình triển khai Kế hoạch tăng cường lực lượng NATO tại các quốc gia Baltic và Ba Lan. Có thể thấy rõ, tình hình Ukraine đang “nóng” lên từng ngày khi các bên liên quan có những toan tính mới.
Theo QĐND