Ngày 1/2, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Igor Pavlovsky thừa nhận quân đội nước này đang thực hiện cuộc tấn công tại Donbass.
"Hôm nay, cho dù thế nào đi nữa, từng mét một, từng bước một, lúc có cơ hội, các chàng trai dũng cảm của chúng ta đã tiến lên phía trước", ông Pavlovsky nói khi đề cập đến tình hình ở Avdeevka.
Bộ Quốc phòng Ukraine không bình luận về vấn đề tuân thủ các Thỏa thuận Minsk, trong đó có việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường giới tuyến.
Binh sĩ Ukraine tại miền Đông Ukraine. |
Sau một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 31/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc chiến sự bùng lên trở lại tại khu vực thị trấn Avdiivka, ở ngay cửa ngõ phía Bắc của thành phố Donetsk, thủ phủ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Hội đồng Bảo an đã kêu gọi hai bên chấm dứt ngay lập tức các cuộc xung đột. Liên minh châu Âu cũng ra thông cáo cho rằng các cuộc giao tranh dữ dội xung quanh Avdiivka trong những ngày qua là một sự vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk vào tháng 2/2015.
Cùng với mối quan ngại ngày càng gia tăng, tờ Süddeutsche Zeitung của Đức trích dẫn các nguồn tin riêng trong chính phủ cho biết Đức hiểu rằng nhiều phần Kiev phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra vì gia tăng căng thẳng ở miền Đông.
Theo thông tin mà Đức đang nắm bắt, một phần dựa trên các báo cáo của phái đoàn OSCE, chính quân đội Ukraine hiện nay đang cố gắng di chuyển tuyến mặt trận theo hướng có lợi cho họ. Trong khi giới chính phủ Đức cho rằng Kiev cố tình nỗ lực gia tăng căng thẳng với hy vọng leo thang xung đột sẽ giúp loại bỏ các kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm giảm nhẹ các biện pháp chống Nga, tờ báo nhận xét.
"Ở Berlin người ta hiểu rằng Poroshenko sẽ làm bất cứ mọi điều nhằm ngăn chặn việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại nước Nga", tờ báo Đức viết.
Đồng thời chính phủ Đức cũng e ngại toan tính của Kiev có thể dẫn đến kết quả ngược lại. Và khi đó Kiev sẽ tự tăng gấp đôi các vấn đề của nó: Nga nhận được lợi thế, và xung đột sẽ bùng lên với sức mạnh mới, Süddeutsche Zeitung nhấn mạnh.
"Liệu có thể tính đến nước liều nhằm ngăn cản Ukraine khỏi những hành động suy tính khiêu khích hay không? Tạm thời Berlin vẫn chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này", Süddeutsche Zeitung kết luận.
Một cuộc họp của Tổng thống Ukraine với lãnh đạo NATO. |
Không chỉ Đức, NATO dường như cũng rất e dè với vấn đề cạnh tranh với Nga. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoãn cuộc gặp với quan chức Ukraine, nhằm thảo luận về khả năng các mảnh vỡ của hệ thống phòng thủ tên lửa mà NATO triển khai ở Romania có thể rơi vào lãnh thổ Ukraine.
Tờ The Wall Street Journal, NATO đã hoãn kế hoạch tổ chức một cuộc họp với các quan chức Ukraine liên quan tới hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO do lo ngại những phản ứng từ Nga.
Nguồn tin khẳng định, NATO đang trong “thế khó xử”. Một mặt, NATO đang tăng cường các lực lượng quân sự sát biên giới với Nga, mặt khác, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Moscow.
“Có những sự thận trọng nhất định liên quan đến Ukraine (đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO), vì điều này có thể kích động phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga”, The Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ giới chức NATO cho biết.
Hệ thống phòng thủ tên lửa mà NATO triển khai ở Romania, theo tuyên bố của Liên minh quân sự này, là nhằm chống lại các tên lửa Iran. Theo dự tính, một khi hệ thống tên lửa của NATO được kích hoạt, các mảnh vỡ có thể rơi vào lãnh thổ của Ukraine, và đây chính là vấn đề mà NATO cần thảo luận với chính quyền Kiev.
Quân Chính phủ Ukraine gánh thất bại lớn với ly khai
Trên mặt trận miền Đông Ukraine, quân đội Chính phủ thu lại nhiều thất bại khi giao tranh với lực lượng ly khai bằng súng cối và súng phóng lựu kéo sang ngày thứ 4 liên tiếp.
10h sáng ngày 31/1, 2 trung đội của lữ đoàn Lính thủy đánh bộ số 36 và nhóm chiến binh “Cánh hữu” Ukraine, cùng 3 xe BMP tiến hành cuộc đột kích vào tuyến phòng ngự lực lượng dân quân Donetsk trên hướng Mariupol gần làng Kominternovo.
Cuộc đọ súng diễn ra quyết liệt trên hướng Mariupol, lực lượng dân quân Donetsk đánh bật nhiều đợt tấn công của lực lượng quân sự Kiev.
Lực lượng quân sự Ukraine có 14 binh sĩ và chiến binh “cánh hữu” thiệt mạng, hàng chục binh sĩ khác bị thương, các đơn vị quân sự Ukraine rút lui.
Binh sĩ Ukraine bị thương được vận chuyển vào bệnh viện. |
ANNA News dẫn nguồn tin quân sự từ vùng Donetsk, sau cuộc tấn công không thành công, pháo binh Ukraine liên tục pháo kích vào chiến tuyến của lực lượng dân quân Donetsk bằng pháo hạng nặng, súng cối và pháo phản lực, tấn công cả vào khác khu dân cư Donetsk, Makiyivka, Yasinovataya, Kominternovo.
2h30 chiều ngày 31/1, lực lượng quân sự Ukraine tiếp tục tiến hành cuộc tấn công thứ 2 trong khu vực làng Kominternovo. Một trung đội lính thủy đánh bộ Ukraine có sự yểm trợ của 2 xe bộ binh chiến đấu BMP. Nhưng lần tấn công thứ hai không mang lại kết quả tốt đẹp cho quân đội Kiev. Hỏa lực phản kích của lực lượng dân quân Donetsk khiến 7 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, hơn chục người khác bị thương.
Theo tuyên bố của chỉ huy trưởng trung tâm chỉ huy tiền phương Donetsk Eduard Basurin: “Quân đội Kiev tiếp tục các hoạt động tấn công khiêu khích tuyến phòng ngự của dân quân Donetsk theo hướng Mariupol. Những đợt tấn công đầu tiên đánh vào làng Kominternovo, bắt đầu vào hồi 10h00 của lực lượng quân sự Ukraine nhanh chóng bị bẻ gãy. Quân đội Ukraine mất 7 binh sĩ, 1 xe bộ binh chiến đấu BMP, hàng chục binh sĩ khác bị thương.
Cũng theo ông Basurin: “Trong ngày 31/1, lực lượng dân quân nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng có 2 binh sĩ thiệt mạng, 6 người khác bị thương. Trong các cuộc pháo kích liên tiếp của quân đội Ukraine, 1 phụ nữ thiệt mạng và một dân thường khác bị thương”.
Theo thông tin của phòng tham mưu chiến thuật Donetsk thuộc lực lượng dân quân, trong 6 ngày xung đột bùng phát trên hướng Mariupol, lực lượng quân sự Ukraine mất khoảng 93 quân nhân, hàng trăm người khác bị thương.
Tổng thống Donald Trump sẽ sớm gặp ông Poroshenko
Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ lo ngại và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, duy trì quan điểm ủng hộ chính phủ Ukraine trước nay. Chính phủ Ukraine rất mong đợi thiết lập quan hệ tốt đẹp với ông Trump và chính phủ Mỹ mới, hy vọng Mỹ sẽ duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Một số quan chức Ukraine nói đến khả năng sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 2 này.
Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ukraine sẽ sớm gặp nhau? |
Dù thế quan hệ và sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine có thể sẽ không được tốt đẹp như dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama khi Tổng thống Trump tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Nga. Washington Post nhận định đợt giao tranh này có thể là một phép thử sớm với khả năng quản lý quan hệ với Nga của Tổng thống Trump.
Giao tranh Đông Ukraine bùng nổ chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump có cuộc điện đàm chính thức đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Và Ukraine là một trong những chủ đề chính được đề cập trong cuộc điện đàm. Bên cạnh vấn đề Syria, giao tranh Ukraine – nơi Nga ủng hộ phe ly khai – là một yếu tố chính khiến quan hệ Mỹ-Nga không được tốt đẹp trong thời Tổng thống Obama.
Trước khi giao tranh bùng nổ ở Đông Ukraine, có ý kiến rằng Nga sẽ đưa ra phép thử sớm với ông Trump bằng một cuộc khủng hoảng tầm quốc tế, hoặc lợi dụng tình hình bối rối của Mỹ thời điểm ông Trump nhậm chức để ra tay giành ưu thế ở Đông Ukraine. Các bước đi này sẽ tạo thêm sức mạnh thương lượng cho Nga với mục tiêu: Mỹ hủy bỏ trừng phạt và công nhận ảnh hưởng của Nga ở khu vực trong đó có Ukraine. Và theo National Interest, dỡ bỏ trừng phạt là một điều kiện tiên quyết nếu Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Theo Đất Việt