|
Bà Hồ Thị Kim Thoa |
Cụ thể, chiều ngày 10/2, trong một thông cáo báo chí phát đi, Bộ Công Thương cho biết, Bộ này nhận được thông tin do một số báo nêu về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Về việc này, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã đề nghị Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các đơn vị liên quan có báo cáo cụ thể.
|
Bà Hồ Thị Kim Thoa luôn là người trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh |
Trên cơ sở báo cáo của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các đơn vị liên quan, Bộ Công Thương cho biết, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang; từ năm 2000 đến 2005 bà Thoa là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty.
"Số cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang mà đồng chí Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng", Bộ Công Thương khẳng định.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong quá trình công tác tại Bộ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo bà này thực hiện đúng quy định về quản lý cán bộ và kê khai tài sản. Trong các bản kê khai tài sản hàng năm, Thứ trưởng Thoa đều kê khai số lượng cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, ông Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, việc Thứ trưởng và những thành viên trong gia đình sở hữu tài sản tại các doanh nghiệp có thể không vi phạm quy định vì luật chỉ cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp.
"Góp vốn có thể cấm trong một số trường hợp nhưng ở đây rõ ràng không có chuyện thành lập, quản lý doanh nghiệp đó. Nếu quản lý thì mới vi phạm theo quy định còn đây là cổ phần hoá không hạn chế, cấm ai mua cổ phần cả", ông Đức nói.
Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh: "Nhưng giữa công việc công tư như thế có thể thấy rất lộn xộn, không bình thường, dễ bị lợi dụng, không vô tư. Cái người ta nghi ngờ là làm công ăn lương như thế, kinh doanh gì, nộp thuế má ở đâu mà hình thành lên nhiều cổ phiếu, cổ phần như thế. Cứ truy ngược lại thì có thể xử lý".
"Bây giờ phải khai báo cụ thể tài sản hình thành từ đâu như được cô em họ cho như ông Trần Văn Truyền, hoặc vớ được cục vàng phải khai báo Nhà nước và nộp thuế, hoặc trúng xổ số thì cũng phải nộp thuế. Về cơ bản phải đóng thuế thu nhập thì mới có tài sản hợp pháp được, còn nếu không thì là tham nhũng, bất hợp pháp mới có số tiền lớn như thế. Trừ trường hợp trước kia tôi mua cổ phiếu 1 đồng bây giờ nó thành 10 đồng do tăng giá, chứ còn đâu mua đi bán lại cổ phần cũng phải nộp thuế", ông nói.
Vị luật sư cũng lưu ý về việc dữ liệu quản lý vẫn rất yếu kém, hiện mua bán trăm nghìn tỷ đồng vẫn thực hiện được nảy sinh ra nhiều tiêu cực.
"Theo quy định về kinh tế thị trường thì không thể thu hồi tài sản nếu không chứng minh được có vi phạm, còn người ta không phải chứng minh vì sao tôi có tài sản, đó là vấn đề đạo đức. Nói chung hở quá nhiều, luật phòng chống tham nhũng và luật khác phải sửa", ông Đức nói.
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, nguyên lý quản lý quan trọng hơn là phải công khai minh bạch, khách quan.
"Ở Việt Nam, nhờ ai đứng tên hộ chả được rồi làm hợp đồng cam kết không phải của anh đâu nhá, sau vẫn được pháp luật bảo vệ. Các nước không có chuyện đó đâu nhé. Chúng ta phải có nguyên tắc, đạo đức chung để ứng xử trong vấn đề này", ông nói thêm.
Trả lời báo chí về trường hợp sở hữu cổ phiếu của bà Thoa tại một doanh nghiệp của ngành Công Thương, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng cho rằng, do chưa có bằng chứng cụ thể nên không thể khẳng định số tiền trên là ít hay nhiều, đúng quy định của pháp luật hay không.
Theo ông Đạt, việc kiểm tra, xem xét dấu hiệu vi phạm của Đảng viên thuộc về Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải kiểm tra thông tin trên thì mới xác định số tài sản trên thì mới kết luận chính xác được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Sơn – Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cho rằng, việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình đang sở hữu một khối lượng tài sản lớn tại Bóng đèn Điện Quang dư luận nghi ngờ cũng không có gì quá bất ngờ, ngạc nhiên.
“Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về sự thiếu minh bạch trong tài sản và cách thức quản lý doanh nghiệp. Khi dư luận đã nghi ngờ thì cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề và trả lời cho dư luận: số tiền trên có hợp pháp hay không, nó hình thành từ nguồn nào?”, ông Sơn nhấn mạnh.
Như PV đã đưa tin trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định khiển trách với Thứ trưởng Bộ Công Thương - bà Hồ Thị Kim Thoa vì có liên quan đến một số quyết định bổ nhiệm thời ông Vũ Huy Hoàng. Trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ năm 2000 và kiêm nhiệm chức Chủ tịch của Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang (DQC) trong 5 năm từ 2005-2010.
Mặc dù, rời Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang về công tác tại Bộ Công Thương từ năm 2010 với chức danh Thứ trưởng nhưng bà Thoa vẫn sở hữu cổ phần với giá trị tương đối lớn tại doanh nghiệp này. Không chỉ vậy, những thành viên khác trong gia đình bao gồm em trai, em dâu và các con gái của Thứ trưởng hiện tại vẫn nắm giữ vị trí cao và sở hữu khối tài sản lớn không kém tại Bóng đèn Điện Quang. Với việc nắm giữ hơn 11,78 triệu cổ phiếu DQC, bà Thoa và các thành viên trong gia đình sở hữu khối tài sản lên tới hơn 718 tỷ đồng tại Bóng đèn Điện Quang.
Bóng đèn Điện Quang vốn xuất thân là các doanh nghiệp Nhà nước, chính thức cổ phần hóa hoàn toàn khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn vào tháng 9/2014.
Theo Dân Trí