Ngày 10/2, người đàn ông chạy xe máy trên đường Cống Quỳnh (quận 1) đột ngột tấp vào lề, chọn góc khuất sau xe tải thản nhiên đứng "xả". Đội quản lý trật tự đô thị tuần tra phát hiện, họ ghi hình từ xa rồi đến lập biên bản về hành vi phóng uế nơi công cộng.
"Tôi mắc tiểu quá, không tìm được nhà vệ sinh công cộng nên phải giải quyết ngoài đường", người đàn ông chống chế. Tuy nhiên, ông này vẫn bị lực lượng chức năng lập biên bản, buộc xin nước nhà dân gần đấy dội sạch vị trí mới phóng uế.
Trường hợp vi phạm lần đầu có thể chỉ nhắc nhở, ký cam kết không tái phạm. |
"Những khu vực vắng nhà dân, quanh các công viên, kênh rạch, trường học, di tích... thường xuyên xảy ra tình trạng phóng uế. Nhất là quanh khu vực Công viên 23/9, đường Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng… nên nơi đây luôn có mùi hôi thối nồng nặc", cán bộ đô thị quận 1 cho biết.
Sau khi lập biên bản, văn bản sẽ được gửi về UBND quận 1 để ra quyết định xử phạt. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/2, tiểu bậy ngoài đường bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng, gấp nhiều lần so với mức 200-300.000 đồng trước kia.
Theo thống kê, từ sau Tết Nguyên đán, quận 1 đã xử phạt hàng chục trường hợp "tè bậy", xả rác, chất thải... nơi công cộng. Người vi phạm hầu hết làm nghề xe ôm, chạy xích lô, bán vé số hay tài xế ôtô. Nhiều người còn phóng uế nơi chỉ cách nhà vệ sinh công cộng vài bước chân.
Ông Phạm Tấn Long (Đội quản lý trật tự đô thị quận 1) cho biết, hành vi vi phạm đều được đội ghi hình lại để làm bằng chứng nhắc nhở, lập biên bản. Có rất nhiều người vi phạm nhưng không hợp tác, "chối bay chối biến" cho đến khi lực lượng chức năng đưa ra ảnh chụp.
"Cũng có rất nhiều trường hợp đội trật tự chỉ buộc người vi phạm phải dội nước làm sạch rồi nhắc nhở, ký cam kết không tái phạm chứ không lập biên bản. Mức phạt mới gấp 10 lần cũ nhưng không phải người dân nào cũng biết nên khi làm việc chúng tôi giải thích, nhắc nhở họ. Từ khi triển khai, tình trạng tiểu bậy, xả rác nơi công cộng giảm hẳn", ông Long nói.
Người vi phạm phải dội nước làm sạch chỗ tè bậy. |
Một lãnh đạo quận 1 cho biết, năm 2016 đơn vị đã phạt hơn 2.000 trường hợp liên quan đến hành vi "tè bậy", đổ chất thải nơi công cộng. Từ khi quy định xử phạt mới có hiệu lực, quận 1 đã tăng cường lực lượng gồm trật tự đô thị, công an... kiểm tra xử phạt trên toàn bộ 10 phường của địa bàn.
Người vi phạm sau khi nhận quyết định xử phạt phải đến kho bạc nộp phạt trong 10 ngày. Nếu quá hạn, quận sẽ gửi thông báo đến địa phương yêu cầu thực hiện. Nếu không chấp hành, sẽ truy thu bằng cách kê biên tài sản hoặc trừ lương đối với người hưởng lương.
Hiện, TP.HCM chỉ có khoảng 300 nhà vệ sinh công cộng. Năm 2016 thành phố đã chấp thuận cho 3 nhà đầu tư, trong đó có doanh nghiệp đăng ký làm 1.000 nhà vệ sinh với tổng vốn khoảng 110 tỷ đồng.
Theo VNE