Ngày 22/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng quyết định đầu tư dự án khôi phục bộ xương cá voi (ngư dân tín ngưỡng gọi là cá Ông) Lăng Tân, huyện đảo Lý Sơn với tổng vốn hơn 14 tỷ đồng.
Bộ xương cá voi khổng lồ ở Lăng Tân (huyện đảo Lý Sơn). Ảnh: Minh Hoàng. |
Dự án gồm các hạng mục: Phục chế hai bộ xương cá voi, nhà trưng bày và một số hạng mục phụ trợ khác. Theo vị chủ tịch tỉnh, việc khôi phục hai bộ xương cá voi là nhằm bảo tồn di tích lịch sử, lưu trữ các nghi thức tôn giáo, tạo kiến trúc cảnh quan tâm linh cho khu vực, phát huy giá trị lịch sử nhằm phục vụ tín ngưỡng, tham quan, nghiên cứu và phát triển du lịch.
Huyện đảo Lý Sơn có hàng chục lăng, thờ tự loài cá voi theo nghi thức tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa miền biển đảo. Lăng Tân (còn gọi là Sở Đại dương) ở xã An Vĩnh đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là nơi lưu giữ nhiều bộ xương cá voi lâu đời, có kích cỡ lớn nhất.
Ông Phù Ngã - Chủ vạn Lăng Tân, cho hay ngư dân địa phương thường gọi cá voi là "ngài cá Ông". Hiện Lăng Tân đang lưu giữ ba bộ hài cốt cá voi với tước vị: Đồng đình Đại vương và Đức Ngư nhị vị tôn thần.
Chủ vạn Lăng Tân giới thiệu về bộ xương cá voi độc đáo được nhân dân huyện đảo Lý Sơn tín ngưỡng. Ảnh: Minh Hoàng. |
Bộ xương cá voi dài khoảng 24m, mỗi xương sườn dài gần 10m, mỗi đốt sống dài bằng sải tay. Ông Nguyễn Hơn (ngụ xã An Hải) cho biết lúc nhỏ nghe ông bà kể 300 năm trước, cá voi "khổng lồ" này gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa, sau đó được ngư dân địa phương đưa về Lý Sơn rồi "lụy" trước làng chài.
Cá voi nặng khoảng 17 tấn không thể khiêng nổi đưa lên bờ nên hàng trăm dân làng đào hố sâu chôn trên bãi biển. Sau ba năm, các tộc họ khai quật đưa bộ xương vào lăng thờ tự.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, nhìn nhận huyện đảo Lý Sơn là "bảo tàng" xương cá voi độc đáo, lớn nhất cả nước, gắn liền với hành trình khai khẩn, xây dựng huyện đảo này xuyên suốt nhiều thế kỷ trước.
Theo Zing