Hải quân Mỹ cho hay hoạt động tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông được bắt đầu từ ngày 18/2. Mỹ khẳng định đây là hành động "theo kế hoạch". Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc lại cáo buộc "hoạt động tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải của các tàu chiến Mỹ là mối đe dọa đối với Bắc Kinh".
Giới chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh ngoài đảm bảo tự do hàng hải, hoạt động tuần tra của Mỹ ở Biển Đông đã được tiến hành trong hàng trăm năm qua. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh nếu Mỹ không tiến hành tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông, an ninh khu vực sẽ bị ảnh hưởng.
Sự xuất hiện của lực lượng tàu chiến Mỹ ở Biển Đông khiến Trung Quốc cảm thấy bất an. |
Theo tạp chí National Interest, sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu khiến Bắc Kinh không khỏi quan ngại về khả năng ông Trump sẽ tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực nhằm đối phó với hoạt động quân sự hóa ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Cụ thể, trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã liên tục cho cải tạo, xây dựng nhiều công trình phục vụ mục đích quân sự ngay trên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở Biển Đông.
Giới phân tích Mỹ nhận định hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra một cách tinh vi và từng bước một nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Washington. Cụ thể, Trung Quốc đã cho xây các bệ phóng tên lửa ra một số hòn đảo trong tổng số 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tên lửa này có tầm bắn chưa tới 10 dặm nên không thể đe dọa hoạt động đi lại của tàu thuyền Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, giới chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh bệ phóng này lại có thể dễ dàng thay đổi mục đích sử dụng để phục vụ các tên lửa hành trình chống hạm tầm xa và hiện đại hơn. Đây mới là mối đe dọa đối với các chiến hạm Mỹ tuần tra ở Biển Đông.
Việc Bộ trưởng Mattis ra lệnh cho Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông còn là minh chứng cho thấy nước Mỹ đang thi hành chính sách "hòa bình thông qua sức mạnh" của Tổng thống Trump. Trước đó, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, ông Mattis nhận định hành động của Trung Quốc buộc các nước Đông Nam Á mở rộng quan hệ đồng minh.
Những bình luận liên quan tới đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không là "điều sống còn đối với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ" của ông Mattis được xem là tuyên bố mạnh mẽ và trực tiếp về việc Washington cam kết ngăn chặn nỗ lực của Bắc Kinh biến Biển Đông thành "cái hồ" của Trung Quốc.
Ngoài tàu sân bay USS Vinson, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Meyer cũng tham gia đợt tuần tra ở Biển Đông từ ngày 18/2. Trong đó, các chiến đấu cơ thực hiện tuần tra trên không ở Biển Đông có máy bay F/A-18 Super Hornet, trực thăng và các máy bay tác chiến điện tử.
Trước khi tiến vào Biển Đông, lực lượng tàu chiến của Mỹ còn tham gia chương trình huấn luyện ở đảo Hawaii và Guam nhằm cải thiện năng lực quân sự và "phát triển khả năng tác chiến trong nhóm tàu sân bay".
"Chương trình huấn luyện đã kết thúc cách đây vài tuần nhằm tăng tính hiệu quả và khả năng sẵn sàng chiến đấu của nhóm tác chiến tàu sân bay. Chúng tôi sẽ phô diễn năng lực của nhóm tàu sân bay đồng thời xây dựng quan hệ mật thiết với các đồng minh, đối tác và bạn bè ở châu Á – Thái Bình Dương", Thiếu tướng James Kilby, chỉ huy nhóm tác chiếc tàu sân bay nói.
Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Mỹ đang thách thức các tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông. "Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế. Song Bắc Kinh cực lực phản đối nỗ lực của bất cứ quốc gia nào đe dọa tới an ninh và chủ quyền của Trung Quốc dưới chiêu bài đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang tuyên bố.
Hôm 19/2, tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng nhấn mạnh: "Hoạt động triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson tới Biển Đông là mối đe dọa quân sự với Trung Quốc.
Theo Infonet