Hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết trong một tuyên bố: “Quốc gia này, tự xem mình là một cường quốc lớn, đang nhảy múa theo điệu nhạc của Mỹ”. KCNA không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng đề cập tới “nước láng giềng”.
Giải thích về cụm từ “nhảy múa theo điệu nhạc của nước Mỹ”, có thể quay lại thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức. Trong cuộc phỏng vấn của đài Fox ngày 4-1, ông nói rằng Trung Quốc nên “kiểm soát Triều Tiên”.
“Trung Quốc có... toàn quyền kiểm soát CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc nên giải quyết vấn đề đó. Nếu họ không giải quyết được, chúng ta sẽ gây khó dễ trong lĩnh vực thương mại” – ông Trump nhấn mạnh.
Than nhập khẩu từ Triều Tiên tại TP.Đan Đông - Trung Quốc |
Nguyên nhân dẫn tới sự đả kích nói trên có thể bắt nguồn từ lệnh cấm nhập khẩu than của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng hồi tuần trước để phản ứng các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên tục của Triều Tiên. KCNA lên án hành động này, mô tả “Trung Quốc đã tiến hành các bước đi vô nhân đạo bao gồm chặn giao dịch thương mại nước ngoài”, giúp kẻ thù “tiêu diệt hệ thống xã hội” ở Triều Tiên.
Xuất khẩu than là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Bình Nhưỡng. Dù Bắc Kinh được xem là đồng minh quốc tế duy nhất của chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhưng cũng không ủng hộ các chương trình hạt nhân bên nước láng giềng, đồng thời hậu thuẫn lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm vào Bình Nhưỡng.
Vài ngày trước khi lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên có hiệu lực, nhà chức trách Trung Quốc đã chặn một lô hàng than trị giá khoảng 1 triệu USD tại cảng Ôn Châu, trên bờ biển phía Đông Trung Quốc.
Cùng ngày Bình Nhưỡng đả kích Bắc Kinh, nước này còn chỉ trích Malaysia – một trong số ít các quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho rằng Kuala Lumpur phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13-2.
Ông Kim tử vong trên đường tới bệnh viện sau khi bị 2 phụ nữ áp sát và tấn công, nghi là một vụ đầu độc
Theo NLĐ