|
Một vụ thử tên lửa đạn đạo Musudan của Triều Tiên |
Trong lúc chuyển giao sự vụ cho chủ nhân kế tiếp của Nhà Trắng vào tháng 1, ông Barack Obama đã bàn giao một chương trình tâm đắc nhưng còn dang dở cho người kế nhiệm: cuộc tấn công mạng nhằm vào nỗ lực phát triển tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Những vụ thử thất bại
Theo tiết lộ của tờ The New York Times, chương trình tấn công mạng được giới thiệu vào tháng 12.2013, khi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân lúc đó là tướng Martin E.Dempsey tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ vận dụng “chiến tranh mạng, các vụ tấn công điện tử” để tăng cường năng lực phòng ngự trước những đòn tấn công của đối thủ. Trước đó, Mỹ được cho là đã hợp tác với Israel triển khai các cuộc tấn công mạng nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Iran.
TờThe New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết chính quyền Obama quyết định khởi động chiến tranh mạng chống Triều Tiên sau khi nhận ra rằng các lá chắn tên lửa Mỹ không đảm bảo sẽ bắn hạ được tên lửa đạn đạo, với xác suất thất bại của các vụ thử tên lửa đánh chặn lên đến 56%.
Vì vậy, Lầu Năm Góc được chỉ thị tăng tốc nỗ lực tấn công mạng nhằm vào chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Mục tiêu của chương trình này là phá hoại bất kỳ tên lửa nào được đặt lên bệ phóng và từ đó cản trở nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn đến lãnh thổ Mỹ.
Chi tiết về cách thức tiến hành các vụ tấn công được tờThe New York Times đồng ý giữ kín sau khi trao đổi với giới chức an ninh quốc gia Mỹ, do lo ngại Triều Tiên có thể nắm bắt được thông tin về chương trình bí mật.
Trùng hợp là ngay sau khi các cuộc tấn công mạng được triển khai từ năm 2014, nhiều tên lửa Triều Tiên bắt đầu nổ tung trong quá trình phóng, bị chệch hướng hoặc vỡ thành từng mảnh trên không. Chẳng hạn, hồi năm ngoái, Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan tổng cộng 8 lần nhưng chỉ có một lần thành công. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un lúc đó đã yêu cầu điều tra liệu Mỹ và Hàn Quốc có đang âm mưu phá hoại nỗ lực phát triển tên lửa của nước này hay không.
Cuộc điều tra được khởi động sau khi Bình Nhưỡng ghi nhận 2 vụ phóng thất bại liên tục trong tháng 10, theo trang tinThe International Business Times.Những người cổ vũ cho chương trình khẳng định một số vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên là kết quả từ các cuộc tấn công bí mật của Lầu Năm Góc. Nhưng những người bi quan thì cho rằng đó có thể chỉ đơn giản xuất phát từ lỗi sản xuất hoặc trình độ kém cỏi của các chuyên gia Triều Tiên.
Lời cảnh báo của ông Obama
Bất chấp những thành công ban đầu của cuộc tấn công mạng, chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên vẫn phát triển đều đặn và giới chức Mỹ thừa nhận họ vẫn chưa tìm ra công thức hữu hiệu để chặn đà tiến của Bình Nhưỡng. Các quan chức giấu tên chỉ ra rằng trong 8 tháng qua, Triều Tiên đã thử thành công 3 tên lửa tầm trung và vào năm ngoái, họ đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân.
Vào đầu năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nước ông đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Chính vì vậy, trước khi rời khỏi Nhà Trắng, ông Obama đã cảnh báo với ông Trump rằng CHDCND Triều Tiên sẽ là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà người kế nhiệm của ông phải xử lý.
TờThe New York Timestiết lộ trong 2 cuộc họp gần đây tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ đã thảo luận tất cả các phương án để ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, bao gồm cả tấn công phủ đầu các cơ sở tên lửa và đưa vũ khí hạt nhân trở lại Hàn Quốc để răn đe. Các phương án này sẽ sớm được trình lên cho Tổng thống Trump.
Theo TTO