|
Tàu Sheng Wang Hai đến Phú Quốc chở cát đi Singapore giữa tháng 1-2017 |
Ông Bùi Đặng Dũng (đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội) nói: “Tôi rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã thực hiện tuyến bài điều tra về việc xuất khẩu cát mặn sang Singapore.
Phải nói rằng tuyến bài đã đáp ứng được yêu cầu của đông đảo bạn đọc, mong mỏi của cử tri và đại biểu Quốc hội.
Với những bức xúc như báo đã nêu, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ: Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Giao thông vận tải (GTVT)... trong kỳ họp tới”.
Xã hội hóa vì... không có tiền?
Nạo vét thông luồng giao thông đường thủy là trách nhiệm của ngành GTVT và ngân sách phải chi để làm. Vì sao phải xã hội hóa để doanh nghiệp (DN) làm rồi đem cát đi bán ra nước ngoài?
Ông Đỗ Đức Tiến (phó cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ GTVT):
Hiện nay Cục Hàng hải đang quản lý 42 luồng, tuyến hàng hải trên cả nước. Trong khi đó, ngân sách nhà nước bố trí chỉ đủ thực hiện 10 luồng, tuyến. Từ chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để nạo vét.
|
Ông Đỗ Đức Tiến |
Với hình thức xã hội hóa thì DN chỉ mất chi phí thi công, còn sản phẩm thì họ tận thu. Nếu sử dụng ngân sách thì ngoài chi phí thi công còn phải tốn chi phí đổ thải rất tốn kém.
Nếu trông chờ vào vốn ngân sách thì không thể đảm bảo nạo vét được các luồng, tuyến.
Ví dụ nạo vét luồng Hải Phòng với khoảng 975.000m3 phải mất khoảng 185 tỉ đồng. Nếu nạo vét tất cả luồng, tuyến trên cả nước thì chi phí lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Ông Lại Hồng Thanh (phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên - môi trường):
Đúng là công tác nạo vét, khơi thông luồng lạch phải thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên do ngân sách khó khăn, chỉ đáp ứng khoảng 50% nên Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện bằng hình thức xã hội hóa từ đầu năm 2014.
Nhưng 1.000 tỉ đồng nếu đem so sánh thì cũng chỉ bằng làm được 2km đường cao tốc. Do vậy, tôi cho rằng vấn đề không chỉ là câu chuyện ngân sách.
|
Ông Lại Hồng Thanh |
Ông Phạm Văn Bắc (phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng):
Thời gian qua Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng và các địa phương phê duyệt 40 dự án nạo vét, khối lượng cát tận thu khoảng 250 triệu m3 và đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn xuất khẩu.
Tuy nhiên, sau khi thẩm định thì Bộ chỉ đồng ý hướng dẫn và gia hạn xuất khẩu hơn 45 triệu m3, chiếm 18% khối lượng các dự án được phê duyệt. Bộ Xây dựng không phải là cơ quan phê duyệt dự án và cấp phép xuất khẩu.
Bộ chỉ hướng dẫn xuất khẩu và gia hạn xuất khẩu từ đề nghị của địa phương (UBND cấp tỉnh). Nếu địa phương không đề nghị thì Bộ Xây dựng sẽ không hướng dẫn xuất khẩu và gia hạn.
Ông Bùi Đặng Dũng (đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội):
Tôi không đồng ý quan điểm nói rằng vì không có vốn đầu tư nạo vét mà phải xã hội hóa bằng mọi giá.
Ngân sách có khó khăn, nhiều Bộ ngành khác cũng khó khăn như thế nhưng không thể vì khó khăn mà bất chấp hậu quả. Đối với những dự án như thế này thì cần phải đánh giá tác động môi trường liên tục.
|
Ông Bùi Đặng Dũng |
Tôi nghĩ rằng kỳ họp Quốc hội lần này đại biểu sẽ đưa vấn đề khai thác, xuất khẩu cát nhiễm mặn ra thảo luận.
Ngoài ra, cũng phải giám sát, kiểm tra xem giá xuất khẩu, chứ theo điều tra của báo Tuổi Trẻ thì DN khai báo là một đằng, giá xuất thực là một nẻo. Khoản chênh lệch đó rơi vào túi ai? Tôi đọc những thông tin đó mà vô cùng trăn trở bức xúc chứ đừng nói gì chỉ có người dân.
Loại bỏ dự án không đáp ứng yêu cầu
Nạo vét thông luồng là giúp cho tàu bè đi lại dễ dàng, nhưng thời gian qua người dân ở một số dự án lại phản ứng rất gay gắt. Phải chăng có chuyện lợi dụng dự án nạo vét để khai thác cát xuất khẩu, trong khi dự án đó không cần thiết nạo vét?
Ông Lại Hồng Thanh: Một số dự án tại các tỉnh Quảng Bình, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... bị người dân phản đối, ngăn cản do các DN chưa thực hiện nghiêm túc theo thiết kế được phê duyệt. Rất khó xác định DN có lợi dụng dự án để khai thác cát xuất khẩu hay không.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài nguyên - môi trường là nếu DN không thực hiện dự án đúng theo thiết kế thi công nạo vét của ngành GTVT, vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình đê kè; không đăng ký khối lượng nạo vét để UBND tỉnh kiểm tra, giám sát; không thực hiện nghĩa vụ về thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... thì phải kiên quyết buộc dừng dự án.
Ông Bùi Đặng Dũng: Tôi là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang, vừa rồi về tiếp xúc cử tri ở Phú Quốc cũng nghe người dân phản ảnh việc hút cát gây sạt lở nghiêm trọng. Họ kiến nghị phải dừng lại ngay.
Tôi cũng đồng tình với cử tri, không được đụng vào một hạt cát ở Phú Quốc chứ đừng nói là hút cát lên đem bán quá nhiều như vậy.
Tôi kiến nghị thanh tra toàn diện những dự án mà người dân phản ảnh, nếu sai phạm thì dừng tất cả các dự án nạo vét làm ảnh hưởng đến đất đai và cuộc sống của người dân.
|
Một sà lan chở cát ra giao cho tàu nước ngoài đi Singapore |
Ông Phạm Văn Bắc: Quan điểm của Bộ Xây dựng cũng vậy. Dự án nào ảnh hưởng trực tiếp tới nuôi trồng thủy sản, gây sạt lở làm mất đất của dân thì bộ sẽ không hướng dẫn xuất khẩu và cũng không gia hạn.
Về lâu dài, Chính phủ cần bố trí vốn nạo vét, khơi thông luồng lạch và tận dụng tối đa khối lượng cát nạo vét để dùng kè đảo, kè bờ biển và lấn biển.
Ông Đỗ Đức Tiến: Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá hiệu quả các dự án nạo vét luồng, tuyến theo hình thức xã hội hóa và kiên quyết loại bỏ những dự án không đáp ứng yêu cầu.
Điều tra nghi vấn gian lận giá xuất khẩu
Cơ quan hải quan nghi vấn DN khai gian giá xuất khẩu cát nhưng vẫn cho thông quan, vì sao thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn (phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan):
Theo quy định, khi cơ quan hải quan có nghi vấn về trị giá khai báo thì DN có quyền đề nghị tham vấn hoặc không đề nghị.
Nếu DN không đề nghị thì cơ quan hải quan phải thông quan hàng hóa theo trị giá khai báo và sẽ kiểm tra sau thông quan.
Nếu DN đề nghị tham vấn thì cũng phải giải phóng hàng hóa theo trị giá khai báo và thực hiện tham vấn.
|
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn |
Thời gian kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trong quá trình kiểm tra sau thông quan nếu phát hiện mâu thuẫn hồ sơ, trị giá khai báo không đúng với trị giá giao dịch thực tế thì cơ quan hải quan sẽ thực hiện trị giá tính thuế, ấn định thuế và xử lý DN vi phạm.
Như vậy không có chuyện cơ quan hải quan đồng ý với giá cát xuất khẩu mà DN kê khai từ năm 2013 đến nay.
Từ thông tin của báo Tuổi Trẻ, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo kiểm tra sau thông quan đối với tất cả hồ sơ nghi vấn. Hiện nay hải quan các địa phương đang tiến hành công việc này.
Ông nói gì về việc báo Tuổi Trẻ phát hiện một số DN ký hợp đồng bán cát giá trên 4 USD/m3 nhưng khai báo hải quan chỉ trên dưới 1 USD/m3?
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu vào cuộc điều tra đối với các DN xuất khẩu cát nhiễm mặn, làm rõ việc gian lận thương mại về giá mà báo Tuổi Trẻ nêu. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng sẽ điều chỉnh mức giá tham chiếu tại danh mục hàng hóa rủi ro về giá để làm cơ sở xác định nghi vấn; so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo của người kê khai hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan theo quy định. Giá tham chiếu cát nhiễm mặn hiện nay là 2 USD/m3.
Đề nghị dừng xuất khẩu cát nhiễm mặn Theo ông Lại Hồng Thanh, Bộ Tài nguyên - môi trường đã đề xuất Chính phủ tạm dừng xuất khẩu cát nhiễm mặn, bởi đó là tài nguyên không thể tái tạo được. VN chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nhu cầu vật liệu xây dựng các công trình chống biến đổi khí hậu là rất lớn, nhất là đối với khu vực ĐBSCL. Việc khai thác cát để xuất khẩu dẫn đến nhiều hệ lụy đối với không chỉ môi trường mà nhiều lĩnh vực khác. Với các dự án nạo vét tận thu cát thì Bộ đề xuất chuyển đến bồi đắp những khu vực bị sạt lở. |
Theo TTO