Nhiều nghi vấn trong vụ 'bổ nhiệm thần tốc' bà Quỳnh Anh

Thứ năm, 30/03/2017, 16:33
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, nếu nhìn vào quá trình từ tuyển dụng bà Trần Vũ Quỳnh Anh, đến lúc bổ nhiệm phó phòng, trưởng phòng, đến quy hoạch làm lãnh đạo Sở, không ai có thể tưởng tượng nổi.

Ông Nguyễn Sỹ Cương

PV phỏng vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, người có mặt trong đoàn giám sát của Quốc hội vừa làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa một ngày trước khi người phát ngôn UBND tỉnh này thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng giai đoạn từ 2010-2015, liên quan bà Trần Vũ Quỳnh Anh (31 tuổi, trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa).

Thưa ông, thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra vụ việc tuyển dụng, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã tràn ngập trên các mặt báo ngay sau khi người phát ngôn UBND tỉnh này cung cấp thông báo. Là người từng nhiều năm công tác trong ngành nội vụ, ông thấy vụ tuyển dụng, bổ nhiệm này như thế nào?

Nếu nhìn vào quá trình từ tuyển dụng, đến lúc bổ nhiệm phó phòng, trưởng phòng, rồi đi học lý luận chính trị cao cấp, đến quy hoạch làm lãnh đạo Sở thì quả là không ai có thể tưởng tượng nổi.

Với chừng ấy thời gian để thăng tiến của một cô gái trẻ với điểm xuất phát về bằng cấp rất bình thường, có lẽ nhiều người phấn đấu cả đời cũng không bằng cô ấy.

Chỉ sáu, bảy tháng sau khi được tuyển dụng công chức, chưa rõ là Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa có bổ sung quy hoạch không nhưng đã thấy bổ nhiệm làm phó trưởng phòng, rồi nửa năm sau đã bổ nhiệm trưởng phòng.

Qua thông báo của người phát ngôn UBND tỉnh Thanh Hóa, tôi thấy rằng qua thanh tra, kiểm tra thì họ đã chỉ ra một số thiếu sót trong bổ nhiệm, cho thôi việc, đưa vào quy hoạch lãnh đạo Sở, cử đi học lý luận chính trị cao cấp…

Thông báo cũng đề cập đến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan để tiếp tục kiểm điểm, xử lý. Tôi nghĩ bước đầu như vậy thì cũng tốt.

Nhưng qua thông báo, tôi không rõ đây là cuộc thanh tra hay chỉ là cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng, nếu là một cuộc thanh tra thì nó còn khá phiến diện. Bởi lẽ, việc bổ nhiệm cán bộ thì ngoài tiêu chuẩn ra còn phải thông qua quy trình, thủ tục nữa.

Cá nhân ông thấy những vấn đề gì còn hoài nghi trong vụ việc này?

Trước hết nói về quy trình thủ tục, thì đã được quy định rất cụ thể trong quyết định của Thủ tướng về bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ.

Trong thông báo tỉnh Thanh Hóa mới chỉ để cập bà Quỳnh Anh thiếu điều kiện tiêu chuẩn, cụ thể là chưa đủ 3 năm công tác…

Còn các quy trình, thủ tục thì lại không thấy đề cập, trong khi việc xem xét quy trình thủ tục thì mới rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan.

Xem xét quy trình bổ nhiệm sẽ thấy được những vấn đề như việc đề nghị cơ quan cấp trên về nhân sự như thế nào? Lãnh đạo cấp ủy, lãnh đạo Sở đã lựa chọn nguồn nhân sự tại chỗ và thảo luận ra sao, đã lấy ý kiến cán bộ chủ chốt chưa?

Lại còn thêm chi tiết là hồ sơ của cô Quỳnh Anh không được lưu giữ. Hồ sơ cá nhân thì có thể trả lại người ta khi họ xin thôi việc, nhưng hồ sơ cán bộ bao gồm các thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm thì phải lưu lại mới đúng. Chính chi tiết này khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: phải chăng là có hành vi phi tang hồ sơ, để không còn chứng cứ cho thấy việc thực hiện thủ tục bổ nhiệm có vấn đề?

Về vấn đề cho thôi việc, thông báo nêu trên cũng thừa nhận có sai sót, không tuân thủ quy định. Nhưng bây giờ cần xác định rõ là tại sao lãnh đạo sở lại giải quyết cho thôi việc một cách vội vàng như vậy, sau khi có đơn là ký quyết định ngay. Một quyết định như là để trấn an dư luận khi câu chuyện ồn ào trên mạng xã hội, trên báo chí.

Vấn đề nữa là chuyện liên quan đến tài sản. Theo quy định, bà Quỳnh Anh thuộc đối tượng phải kê khai tài sản. Vậy khi báo chí nêu lên nghi vấn cô này có biệt thự nọ kia, siêu xe này khác, thì phải xem trước đây việc kê khai của cô này đã tiến hành thế nào, bản kê khai của cô ấy có những tài sản đó không?

Điều này hoàn toàn có thể kết luận được, chứ không thể giải thích rằng do cô này không còn là cán bộ, công chức nữa nên không xác minh được vấn đề tài sản.

Thêm một chuyện là dư luận ồn ào về quan hệ của cô này với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Tại sao qua thanh tra, kiểm tra lại không kết luận được? Nếu không phát hiện ra vấn đề gì, không có bằng chứng thì phải kết luận là không đủ cơ sở kết luận, không thể khẳng định việc đó.

Ngay cả khi thông báo của tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ là Giám đốc Sở Xây dựng, Ban tổ chức tỉnh ủy có trách nhiệm trực tiếp hoặc liên quan đến tuyển dụng, bổ nhiệm bà Quỳnh Anh, thì những hoài nghi rằng để được 'thăng tiến thần tốc' như vậy hẳn phải 'ô dù' nào đó hoặc ai đó 'che đỡ' liệu có làm rõ được không?

Kết luận ban đầu là có thiếu sót, sai phạm trong bổ nhiệm, cho thôi việc. Nhưng đằng sau đó là những uẩn khúc gì thì cần được làm rõ, thông báo công khai. Ví dụ, tại sao bà Quỳnh Anh lại xin thôi việc trong lúc dư luận xã hội vừa ồn ào và quyết định cho thôi việc cũng được ký 'thần tốc' như vậy, có uẩn khúc gì không?

Được biết ngày 29-3, Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 do Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, thì một ngày sau (30-3) người phát ngôn của tình này mới công bố thông báo. Ông có bình luận gì về sự lựa chọn thời điểm như vậy?

Thật khó để bình luận rằng đây là sự ngẫu nhiên hay cố ý. Kế hoạch làm việc của Đoàn giám sát đã được công bố từ mấy tháng trước rồi. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, khi một số thành viên của đoàn có chất vấn về vụ việc này thì lãnh đạo tỉnh cũng đã trả lời, thừa nhận có một số thiếu sót, sẽ làm rõ và xử lý.

Thế còn việc công bố thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra được thực hiện một ngày sau đó thì đây là quyền của tỉnh Thanh Hóa.

Với những hoài nghi đặt ra sau thông báo nêu trên, nếu các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa không phúc đáp rõ ràng, thì theo ông cơ quan chức năng nhà nước cấp cao hơn như Bộ Nội vụ có thể vào cuộc để làm rõ hay không?

Tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì hoàn toàn có thể thanh tra đột xuất về việc thực hiện các quy trình, thủ tục bổ nhiệm, cho thôi việc cũng như những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ.

Theo TTO

Các tin cũ hơn