|
Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tưởng niệm bên ngoài ga Tekhnologichesky Institut (St. Petersburg), nơi diễn ra vụ nổ làm chết nhiều người vừa qua - Ảnh: Reuters |
Ngày 3-4, một vụ nổ tại tàu điện ngầm ở St. Petersburg đã giết chết ít nhất 11 người và làm bị thương hàng chục người khác. Cơ quan chức năng Nga vẫn đang điều tra để giải đáp hai câu hỏi cơ bản: Ai đứng sau vụ việc này, và nguy cơ nào cho các vụ tấn công tương tự?
Ngày 4-4, cơ quan điều tra Nga bước đầu xác định rằng kẻ thực hiện vụ nổ bom là một người gốc Trung Á, và có liên quan tới các lực lượng nổi dậy ở Syria.
Nhiều năm qua Nga cũng không ít lần chứng kiến các vụ đánh bom liều chết hoặc tấn công khủng bố. Mối nguy hại cho an ninh của nước này chủ yếu được cho xuất phát từ khu vực Caucasus, nơi có các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Tuy vậy, nguy hiểm có thể rình rập người dân Nga nhiều hơn nữa khi nhúng tay vào Syria.
Cũng giống như Pháp, Bỉ, Anh hay Đức, chính quyền Nga lo ngại các đợt tấn công của họ ở Syria sẽ quay lại trả thù trên chính các nước này. Châu Âu đang sống trong nỗi sợ chung rằng những công dân của họ bị tuyển sang Syria và Iraq phục vụ IS, sau đó trở về khủng bố theo kiểu “sói đơn độc”. Hiện có khoảng 7.000 tay súng được đào tạo ở nước ngoài xuất phát từ Nga, theo Đài ABC.
Năm 2015, Tổng thống Vladimir Putin khi ra lệnh bắt đầu không kích ở Syria, ông đặt mục tiêu và giải thích lý do rõ ràng: Tiêu diệt những phần tử khủng bố ở “hang ổ” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và nhiều tổ chức tương tự, nhằm ngăn chúng quay lại giết người Nga.
Quyết định triển khai không kích ở Syria diễn ra sau khi IS nhận trách nhiệm vụ nổ bom trên một chiếc máy bay thương mại Nga trong tháng 10-2015, làm chết 224 người.
Tại Syria, Nga đứng về phía chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Lẽ dĩ nhiên, Matxcơva đối địch với IS và nhiều tổ chức vũ trang khác - mà vẫn đang tranh cãi giữa các bên xem nhóm nào là “khủng bố”, nhóm nào là “đối lập ôn hòa”.
CNN dẫn lời các nhà phân tích cho thấy họ tin rằng các hoạt động của Nga ở Syria đã thành công trong việc giết nhiều phần tử có khả năng thành khủng bố, nhưng đồng thời khiến nhiều kẻ khác muốn trả thù Nga.
Trong khi đó, Independent dẫn lại chi tiết rằng IS và tổ chức Jabhat al-Nusra (hay Nusra Front - Mặt trận Nusra, một phe đối lập ở Syria) từng nhiều lần lặp lại tuyên bố rằng họ sẽ đưa các phần tử “thánh chiến” đến Nga.
Theo TTO