"Số phận" những quán vỉa hè nổi tiếng Sài Gòn - Kỳ 1: Bắp 'chờ'… vào hẻm!

Thứ ba, 04/04/2017, 12:11
Nhiều ngày nay người Sài Gòn cứ râm ran câu chuyện dẹp vỉa hè. Người người ủng hộ, cũng không ít người băn khoăn: “Nay không còn chỗ bán nữa, rồi số phận những hàng quán vỉa hè ấy đi về đâu?”. Và người Sài Gòn vẫn luôn thích nghi với hoàn cảnh...  

Thay vì “chờ” ngay trên vỉa hè như trước đây thì người Sài Gòn lại kéo nhau đến “chờ” ăn bắp…trong con hẻm nhỏ

Những thói quen lê la hàng quán bấy lâu của người dân Sài Gòn cũng đang dần thay đổi giữa chiến dịch "giành lại vỉa hè" cho người đi bộ. Khi những hàng quán vỉa hè đã không còn, thói quen ăn uống, thậm chí là nguồn vui từ những thức ăn vặt, ly trà đá, ly cà phê... ở không gian quen thuộc ấy rõ ràng cũng khó được như xưa.

Bắp nướng “chờ”, không nhận dặn trước. “Khách ăn nhiều mỡ hành, xin mua”…

Dọn vào hẻm

Sống ở Sài Gòn ngót nghét cũng được 6 năm rồi, trong ký ức tôi, Sài Gòn là nơi đất chật người đông, là nơi bao người chen chúc chọn làm chốn mưu sinh. Ở cái thành phố mà nhìn đâu cũng thấy xe chạy ồn ào, khói bụi mịt mù, tiếng cười nói râm ran…, tôi chợt thèm cảm giác được bưng một chén súp mua vội bên đường và để mặc cho mùi hương thơm lừng phả vào mặt.
Những đêm trở lạnh, mưa gió bất ngờ trái mùa này còn gì thú vị hơn việc kéo nhau ra quán bắp nướng ngay góc đường, cứ thế ngồi hít hà mùi bắp nướng than, mùi mỡ hành khiến dạ dày cứ réo từng cơn…
Mùi bắp nướng thơm lừng trong tưởng tượng khiến tôi bất giác tự hỏi không biết quán bắp “chờ” nổi đình nổi đám ở quận 10 bây giờ ra sao. Thế là tôi ghé quán vào lúc 8 giờ tối ngày cuối tuần, vỉa hè trước căn nhà số 223 Nguyễn Kim (quận 10) vắng lặng.
Chị Vân cho biết, nếu muốn buôn bán lâu dài thì phải chấp hành luật pháp
Phóng viên bắt gặp tấm bảng treo lủng lẳng trên cao, với dòng chữ ghi: “Bắp “chờ” dời vô hẻm 40m”. Hóa ra, sau chiến dịch giành lại vỉa hè của thành phố, hàng bắp “chờ” của vợ chồng anh Tý, chị Vân vẫn đông khách mỗi ngày.
Song, thay vì “chờ” ngay trên vỉa hè đường Nguyễn Kim như trước đây thì người ta lại kéo nhau đến “chờ” ăn bắp… trong con hẻm nhỏ. Một sự thích nghi thật dễ thương của người Sài Gòn!

Mọi người đến mua bắp đều chờ để được cầm trên tay những trái bắp nóng hổi, thơm ngon

Khách đến quán vẫn như thói quen cũ, chỉ khác là người nào cũng tự giác xếp xe thành một hàng dọc, men theo bức tường trong con hẻm, chừa lại lối đi ở giữa đủ cho xe máy chạy qua. Anh Ngọc Thông vui vẻ nói: “Tôi ăn bắp ở đây từ năm ngoái tới giờ. Hôm rồi ghé mua thấy vắng tanh, tưởng đâu dẹp tiệm luôn chứ. May là nhìn thấy tấm bảng nên mới biết họ dời vô bán trong này”.
A

"Chính quyền giành lại vỉa hè thì đâu chỉ riêng quán mình bị dẹp, ai bán trên vỉa hè cũng phải tìm cách khác để tiếp tục buôn bán mà. Dời hàng bắp vô trong hẻm công nhận chật chội hơn ở ngoài đường thiệt, nhưng muốn buôn bán lâu dài thì mình phải chấp hành luật pháp. Chỉ mong là được bán ở đây lâu dài, chứ tới trong hẻm mà còn đuổi thì chắc chạy lên nóc nhà bán quá".

Chị Vân nửa đùa nửa thật nói

nh Tý, chồng chị Vân, vừa nướng bắp vừa bảo, từ ngày dời quán vô trong hẻm thì khách ít hơn hẳn. “Chủ yếu khách quen lâu năm mới biết mà tìm tới mua, chứ khách nào lần đầu ghé theo địa chỉ cũ thì rất dễ bỏ qua cái bảng thông báo tôi treo ngoài kia”, anh nói rồi cười hề hề, nghe chất phác quá đỗi.
“Bắp nướng 'chờ', không nhận dặn trước. Khách ăn nhiều mỡ hành, xin mua”… Vẫn là câu slogan quen thuộc, vẫn là những trái bắp còn nguyên vỏ, được nướng cho chín sơ rồi mới bóc vỏ ra nướng kỹ lại. Vẫn đó cái bếp hình chữ nhật, chất đầy than củi rực lửa để nướng bắp.
Càng về khuya, người mua kéo đến càng đông hơn, anh Tý phải nướng bắp liên tục mới kịp phục vụ. Khách ghé đến ai cũng mua vài ba trái, dù phải chờ đợi khá lâu nhưng chẳng ai tỏ vẻ khó chịu hay cau có. Có lẽ mỗi người đều biết, để được thưởng thức những trái bắp nóng hổi, thơm ngon thì việc bỏ ra chút thời gian để chờ đợi là xứng đáng.
“Chính quyền giành lại vỉa hè thì đâu chỉ riêng quán mình bị dẹp, ai bán trên vỉa hè cũng phải tìm cách khác để tiếp tục buôn bán mà. Dời hàng bắp vô trong hẻm công nhận chật chội hơn ở ngoài đường thiệt, nhưng muốn buôn bán lâu dài thì mình phải chấp hành luật pháp. Chỉ mong là được bán ở đây lâu dài, chứ tới trong hẻm mà còn đuổi thì chắc chạy lên nóc nhà bán quá”, chị Vân nửa đùa nửa thật nói.

Nồi mỡ hành thơm nức mũi, bí quyết độc quyền của chị Vân đã giúp món bắp nướng giữ chân nhiều khách hàng

Tôi chợt thấy vui vui lạ. Bản chất của văn hóa trong đời sống là cân bằng động. Nó biến chuyển để thích nghi hằng ngày. Nên, không một nét đẹp văn hóa nào dễ dàng mất đi trong ngày một, ngày hai. Hơn nữa, giữa mảnh đất bao dung và hào sảng như Sài Gòn thì hàng quán vỉa hè luôn có cách để tồn tại dù đối mặt với không ít khó khăn, có là lẽ thế! Người ta vẫn sẵn sàng đi bộ xa hơn để tìm ăn "món ruột" cho đã thèm hay chui vào những con hẻm sâu, nơi các quán hàng thuê mặt bằng với giá rẻ...để tụ tập bạn bè...

Bắp nướng “chờ” được nhiều người nhận xét là rất dẻo và ngon, mùi vị đặc trưng không nơi nào có được

Cách ăn truyền thống: để nguyên trái và…gặm mới ngon

"Giờ khách không phải đợi lâu, mình bán cũng không phải mất lòng ai hết"

Giữa những chuyển động khó đoán định của chính sách đô thị, cái cách mà vợ chồng anh Tý chị Vân đã làm để giữ cho được món bắp “chờ” phục vụ bao khách hàng thân quen của họ thật đáng trân trọng. Nhưng dù sao, những khó khăn là có thật!
Lúc trước, hàng bắp của hai vợ chồng bắt đầu mở bán từ 7 giờ 30 tối cho đến 11 giờ khuya, chỉ nghỉ vào ngày rằm. Nhưng từ khi dời quán vào trong hẻm thì hai vợ chồng anh Tý có thể bán được sớm hơn nửa tiếng, dọn cũng trễ hơn nửa tiếng, bởi trong hẻm ít khách để ý nên phải bán lâu để bù lượng khách ghé ăn. Cũng theo lời chị Vân, bắp bán ở đây đều là bắp quê, mua sỉ một lần cả bao tải, giá 2.000 – 3.000 đồng/trái. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh chị bán được 100 trái bắp, cũng lời từ 500.000 – 700.000 đồng. Nhưng đó là trước khi có chiến dịch dẹp vỉa hè...

“Giờ mỗi ngày bán được đâu chừng 80 trái là nhiều nhất rồi, nhưng phải chịu chứ biết sao giờ. Trước đây lúc nào cũng đông khách, mình nướng bắp không kịp rồi người ta bỏ đi, còn giờ chủ yếu khách quen ghé lại ủng hộ, người ta không phải đợi lâu, mình bán cũng không phải mất lòng ai hết”, chị Vân tâm sự.

Hoặc gặm bắp hoặc ăn trong ly

Ai tới trước mua trước, ai tới sau mua sau

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn