Ông Cự hiện là Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Đây là mức kỷ luật được đề xuất do những sai phạm của ông này khi còn ở Hà Tĩnh, liên quan sự cố môi trường mà Formosa gây ra cho các tỉnh ven biển miền Trung, cách đây đúng một năm.
Thông tin trên cũng đã được Pháp Luật TP.HCM xác nhận tối 3/4 từ nguồn tin cậy trong Đảng ủy khối cơ quan trung ương – nơi sinh hoạt của nhiều vị đứng đầu các bộ, ngành, trong đó có Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA).
Ông Võ Kim Cự. |
Ngoài Đảng ủy khối cơ quan trung ương, ông Cự còn phải kiểm điểm ở các tổ chức đảng mà ông từng sinh hoạt, bao gồm cả Hà Tĩnh và VCA. Ngay tại VCA, ông cũng nhận được một số phiếu đề nghị kỷ luật ở mức nghiêm khắc là cách chức.
Ông Võ Kim Cự là một trong nhiều quan chức bị xác định có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật – theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến dự án Formosa ở Hà Tĩnh, được thông báo hồi tháng 2/2017.
Theo đó, bên cạnh trách nhiệm tập thể của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004-2011, 2011-2016 trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh, thì trách nhiệm cá nhân chính được xác định thuộc về ông Cự.
Ông từng là Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2008-2010, tiếp đó là Bí thư Ban cán sự Đảng và Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông có giai đoạn ngắn làm Bí thư Tỉnh ủy trước khi ra Hà Nội làm Bí thư Đảng đoàn, đồng thời là Chủ tịch VAC.
Theo quy định của Đảng, kết quả kiểm điểm, bỏ phiếu kỷ luật với ông Cự ở những tổ chức đảng mà ông phải kiểm điểm chỉ mang tính tham khảo. Tuy nhiên, đề xuất kỷ luật ở mức cao thường có ý nghĩa quan trọng cho cấp quyết định cuối cùng.
“Kết quả bỏ phiếu kỷ luật ông Cự cho thấy các tổ chức đảng nơi ông ấy công tác đồng tình cao với kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vi phạm, khuyết điểm của các tổ chức đảng, đảng viên liên quan trách nhiệm trong sự việc Formosa. Điều này phản ánh thái độ nghiêm khắc của Đảng với vụ việc, vốn đang gây bức xúc trong dư luận”, một nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra trung ương bình luận.
Ông Võ Kim Cự là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Thẩm quyền kỷ luật cán bộ như ông Cự thuộc về Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu chỉ ở mức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo. Nếu thấy cần kỷ luật ở mức cao hơn, chẳng hạn cách chức, thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.
Ông Cự hiện là đại biểu Quốc hội, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, nhưng đại diện cho khối kinh tế tập thể, gắn với chức danh ở VCA. Nếu bị kỷ luật Đảng, dẫn tới mất chức Chủ tịch VCA thì rất có thể ghế đại biểu của ông cũng sẽ bị xem xét.
Trả lời báo chí trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ 3/4, thời điểm một năm sau sự cố môi trường biển nghiêm trọng do Formosa gây ra (6/4/2016), ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ - cho biết trong quá trình xử lý, khắc phục hậu quả, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, 4 tỉnh miền Trung đã thực hiện rất nghiêm túc vấn đề kê khai, chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chịu thiệt hại
“Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Formosa có 53 lỗi, đến nay họ đã khắc phục được 51 lỗi. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, khi nào Formosa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động an toàn, không để xảy ra sự cố thì cho phép hoạt động. Còn nếu như hoạt động không đảm bảo an toàn thì sẽ tiếp tục đóng cửa. Đây là quan điểm nhất quán của người đứng đầu Chính phủ”, ông Dũng nói.
Theo Pháp Luật TP.HCM