Vụ bổ nhiệm "hotgirl xứ Thanh": Từng có đơn tố cáo nặc danh

Thứ hai, 03/04/2017, 17:48
Trao đổi với báo chí bên hàng lang Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách chiều ngày 3.4, đại biểu Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho biết, liên quan đến vụ bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh, từng có đơn tố cáo nặc danh.    

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, vụ việc liên quan đến bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng Thanh Hóa, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa có thông báo kết luận thanh tra. Tuy nhiên trong kết luận đó vẫn còn có những vấn đề mà dư luận đòi hỏi tiếp tục cần làm rõ, chẳng hạn trách nhiệm của tập thể đến đâu, trách nhiệm cá nhân đến đâu.

ĐBQH Mai Sỹ Diến.

"Đối với ĐBQH chúng tôi thấy vụ việc này là có vấn đề, nhưng vụ việc đang trong quá trình làm, nếu làm không nghiêm túc, thì chúng tôi sẽ có ý kiến. Tôi với tư cách là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH sẽ có ý kiến, ý kiến không chỉ bằng kiến nghị mà có thể nói trong tổ chức Đảng" - ĐB Diến nói.

Trước câu hỏi, lẽ ra việc bổ nhiệm sai với bà Trần Vũ Quỳnh Anh được tổ chức Đảng và cán bộ Sở Xây dựng phát hiện sớm hơn, chứ không phải chờ gần 3 năm sau mới có kết luận, ĐB Diến thông tin: Vụ việc này không phải không phát hiện ra mà đã từng có đơn nặc danh. "Theo quy định của pháp luật, đơn nặc danh không phải xem xét. Tuy nhiên tôi tin chắc  là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã nhắc nhở việc này" - Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa nói.

PV đặt câu hỏi: Việc người tố cáo phải nộp đơn nặc danh vì sợ có thế lực lớn đứng đằng sau câu chuyện bổ nhiệm này, ông nghĩ sao?

ĐB Diến cho hay, Luật phòng, chống tham nhũng rồi Luật khiếu nại, tố cáo, quy định của Đảng đều khuyến khích công dân, cán bộ đảng viên tố cáo sai phạm và có quy định khen thưởng, bảo vệ người tố cáo.

"Đảng và Nhà nước khuyến khích công dân tố cáo phản ánh sai phạm của tổ chức, cá nhân. Luật cũng quy định phải bảo vệ, phải bí mật thông tin cho người tố cáo. Điều đáng trách là luật quy định như thế, nhưng người có thông tin đã không đứng ra để phản ánh một cách chính danh. Khi tố cáo chính danh thì cơ quan chức năng sẽ mời anh đến đề nghị cung cấp thêm thông tin, tài liệu, sự việc được xử lý đến nơi, đến chốn. Nếu là tố cáo nặc danh thì sẽ không có cơ sở để xem xét tài liệu hồ sơ để chứng minh chuyện đó, vì thế dù có sai phạm cũng không làm ngay được" - ĐB Diến nói.

Trả lời câu hỏi của báo chí, người bổ nhiệm sai bà Quỳnh Anh đã chuyển công tác lên cấp cao hơn, việc xử lý liệu có khó khăn, ĐB Diến cho rằng: "Theo quy định kể cả người đó về hưu, thôi chức, nhưng sau khi có kết luận rằng anh có dấu hiệu vi phạm ở giai đoạn trước đó thì đều phải xem xét xử lý đảng viên chứ không loại trừ một trường hợp nào, dù đó là ai, ở vị trí nào, kể cả về hưu".

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn