Ai xâm lược?
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov mới đây tuyên bố Nga chưa bao giờ là kẻ xâm lược và luôn luôn ủng hộ sự ổn định và an ninh trên thế giới.
Tuyên bố này nhằm đáp trả những bình luận mang tính khiêu khích của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có vai trò quan trọng trong việc đối đầu với những hoạt động kích động bạo lực, phi bạo lực và xâm lược của Nga.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov |
Trả lời phóng viên đài truyền hình ABC khi được đề nghị bình luận tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ông Peskov tuyên bố: "Nga chưa bao giờ là kẻ xâm lược. Nga luôn luôn là một quốc gia đóng góp vào sự ổn định và an ninh toàn cầu, là một quốc gia đang tích cực tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý với các từ như "xâm lược" để nói về chúng tôi".
Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng: "Ngoại trưởng Tillerson luôn là một nhà đàm phán khá cứng rắn và chúng tôi hiểu rằng ông ấy đang sử dụng một số lượng lớn thông tin và tài liệu do những người từ Bộ Ngoại giao Mỹ chuẩn bị sẵn. Những người này, nói một cách nhẹ nhàng, không phải là những người ủng hộ sự khôi phục quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga”.
Quan chức Nga cho rằng ông Tillerson càng tiếp xúc nhiều với người đồng cấp Nga sẽ càng có nhiều khả năng cập nhật thông tin và hiểu rõ hơn về mối quan ngại của hai bên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại Brussels hôm 31/3 |
Trước đó, hôm 31/3, phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, ông Tillerson nói: “NATO là lực lượng nền tảng trong cuộc đối đầu với những hành động khiêu khích phi bạo lực, và đôi khi, bạo lực cũng như xâm lược từ phía Nga”.
Nhà ngoại giao Mỹ tuy nhấn mạnh ưu tiên cuộc chiến chống khủng bố song cho rằng NATO phải đồng thời củng cố sườn phía Đông của khối. Bên cạnh đó, ông Tillerson tiếp tục yêu cầu các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức quy định của khối là 2% GDP.
Đây vốn là một trong những vấn đề được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá NATO đã “lỗi thời” và rằng nước Mỹ sẽ không “gánh” thêm các chi phí để bảo đảm an ninh cho các đồng minh.
Cãi vã trong NATO
Bình luận về vấn đề gai góc của NATO là quy định chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên phải đạt 2% GDP, tác giả Chris Kilford của Canada cho rằng việc đánh giá như vậy không thực chất.
Cho tới nay, kể cả những nước đang tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng để đạt mức 2% vẫn hạn chế trong đóng góp chung cho NATO. Phần lớn ngân sách quốc phòng của các nước trong khối vẫn là chi cho “bản thân”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 ở xứ Wales, các nước cam kết sẽ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Hiện ngoài Mỹ chỉ có Hungary, Latvia, Liva, Ba Lan và Slovakia tăng chi tiêu quốc phòng, song cũng không nhiều.
Trong khi đó, nhiều nước trong NATO dành phần lớn chi phí quốc phòng cho việc trả lương và trợ cấp binh sĩ, trong khi mua sắm vũ khí và đạn dược chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Điều này trái ngược với cam kết đã được nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2014 là các nước thành viên phải dành ít nhất 20% ngân sách quốc phòng cho mua sắm các thiết bị mới.
Ví dụ trường hợp của Canada. Trong năm ngoái, nước này đã chi 20,6 tỷ CAD cho quốc phòng (tương đương 16 tỷ USD). Trong số này, 46% được chi cho nhân viên, 18% cho trang thiết bị, 5% bảo trì cơ sở hạ tầng và phần còn lại cho các hoạt động khác.
Binh sĩ và vũ khí Mỹ trong thành phần NATO tiếp tục áp sát biên giới Nga |
Một trường hợp khác là nước Bỉ. Số liệu của NATO cho thấy trong năm 2016, Bỉ dành tới 77% ngân sách quốc phòng để chi cho nhân viên và chỉ dành 4,6% mua sắm thiết bị.
Bồ Đào Nha cũng chi tới 78% ngân sách quốc phòng cho nhân viên, Slovenia 76%, Hy Lạp 70% và Italia 69%. Những nước này có đội quân hùng hậu nhưng chỉ sở hữu các thiết bị lão hóa, không có tiền huấn luyện và đứng trước nguy cơ “dột từ nóc”.
Trong số các nước thành viên còn lại của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất đáng chú ý. Nước này dành 1,69% GDP cho quốc phòng trong năm 2016, đồng thời điều động một lượng lớn binh sĩ gồm 380.000 lính chính quy và lính dự phòng đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, phần lớn nguồn lực quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ không phục vụ cho các mục đích hoạt động của NATO, mà là nhằm chống lại lực lượng phiến quân người Kurd (PKK) ở phía Đông Nam và nuôi khoảng 30.000 quân đang thường trú tại Cyprus. Đó là chưa kể đến những chi phí phát sinh từ cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái và cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.
Các nước NATO có cùng chung chí hướng? (Lãnh đạo các nước NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Wales năm 2014) |
Nhà phân tích người Canada “nhắc nhở” Mỹ rằng NATO là sự hợp tác hai chiều. Ví dụ, để có được "chiếc ô" bảo vệ của Mỹ, nhiều nước thành viên trong khối đã phải cử binh lính, thường là khá miễn cưỡng, để hỗ trợ các cuộc phiêu lưu do Mỹ cầm đầu trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh ở các chiến trường như Afghanistan, Iraq hay Libya.
Do hậu quả của các hoạt động can thiệp này, các nước như Đức, Hy Lạp, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.... đang phải gánh vác trách nhiệm tiếp nhận hàng triệu người tị nạn. Thế nhưng, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận người tị nạn trong năm nay từ 110.000 người xuống còn 50.000 người.
Những bình luận trên cho thấy trên thực tế từ lâu chính những nước trong NATO đã nhìn thấu việc bị Mỹ lợi dụng và đang miễn cưỡng thực hiện các yêu cầu từ Washington.
Theo Đất Việt