Thái Lan quyết lựa chọn hợp đồng “Mua 2 tặng 1”
Trung Quốc sẽ giúp Thái Lan trở lại câu lạc bộ các nước sở hữu hạm đội tàu ngầm - giới chức lãnh đạo quân sự Thái Lan đang khăng khăng bảo vệ quyết định quan trọng nhất của họ là mua sắm 2 tàu ngầm thông thường của Trung Quốc để được tặng thêm 1 chiếc.
Dù phải đối mặt với sự chỉ trích của dư luận nhân dân trong nước và các đảng phái đối lập không tán thành dự án đắt tiền này, nhưng Tham mưu trưởng Hải quân Thái Lan, Đô đốc Leuchai Ruddis khẳng định dứt khoát rằng, kế hoạch này không thể thay đổi được.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở của lực lượng hải quân ở Sattahip, Đông Nam thủ đô Bangkok, Đô đốc Leuchai Ruddis đã tuyên bố rằng, khu vực này khá bất ổn, do đó, vào bất cứ lúc nào có thể xuất hiện nhu cầu về sức mạnh quân sự. Khi đó, Thái Lan mới chuẩn bị thì sẽ không kịp.
Các đại diện giới quân sự Thái Lan, cũng chính là lực lượng chính trị đang nắm quyền điều hành đất nước đang cố gắng thuyết phục mọi người về sự cần thiết phải mua ba tàu ngầm Trung Quốc bởi vì phe đối lập đã lên tiếng chỉ trích gay gắt dự án này.
Hai chính đảng lớn nhất trong nước cáo buộc chính phủ đã phạm sai lầm khi lựa chọn phương hướng ưu tiên này trong khi nền kinh tế Thái Lan đang bị suy thoái. Năm nay, ngân sách quốc phòng Thái Lan là 210 tỷ baht (6,11 tỷ USD), tức là tăng thêm khoảng 9% so với năm 2014, khi giới quân sự lên nắm quyền.
Ngân sách quốc phòng nước này sẽ chi hơn 1 tỷ USD để mua ba tàu ngầm S-26T, tức phiên bản xuấ khẩu của tàu ngầm diezen-điện Type 039, lớp Nguyên của Trung Quốc và Bộ Quốc phòng cam kết không yêu cầu Chính phủ cấp thêm chi phí bổ sung.
Trước đây, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã cho biết rằng, đề xuất của Trung Quốc là tốt nhất, nếu so với các nhà sản xuất châu Âu. Bắc Kinh đề nghị "bán 2 tặng 1", tức là Thái Lan chỉ phải trả tiền cho 2 chiếc tàu ngầm còn 1 chiếc được Trung Quốc tặng miễn phí.
Thái Lan dự định mua các tàu ngầm S-26T, tức phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Type 039 - lớp Nguyên của Trung Quốc |
Các đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc là Đức và Hàn Quốc, nhưng, Bangkok đã lựa chọn sản phẩm của Bắc Kinh vì tàu ngầm của các đối thủ cạnh tranh quá đắt tiền, trong khi Trung Quốc lại tặng thêm Thái Lan 1 chiếc, đồng thời gia hạn thanh toán trong vòng 7 năm.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantravanich thông báo về việc Thái Lan đã mua chiếc tàu đầu tiên trong loạt ba tàu ngầm này vào ngày 25 tháng 4, mặc dù giới truyền thông cho biết là bản hợp đồng đã được phê duyệt vào ngày 18 tháng 4.
Đại diện của Bộ Quốc phòng buộc phải giải thích thêm rằng, "chúng tôi không có ý định che giấu bản hợp đồng, nhưng, chúng tôi không thể công khai tất cả các quyết định của nội các bộ trưởng qua báo chí".
Tờ "Bưu điện Bangkok" cho biết, bản hợp đồng về việc mua chiếc tàu ngầm đầu tiên lớp S26T sẽ được ký kết vào tháng 5 trong thời gian Đô đốc Na Arreenich, Tư lệnh Hải quân Thái Lan sang thăm Trung Quốc.
Ba tàu ngầm mà Thái Lan đặt mua ở Trung Quốc đã được chế tạo và đang trải qua các cuộc thử nghiệm cuối cùng tại nhà máy. Tàu ngầm lớp S26T được xây dựng theo mô hình tàu ngầm diesel Trung Quốc Type 039A, đang biên chế trong lực lượng Hải quân Trung Quốc.
Thái Lan sai lầm khi mua sắm tàu ngầm?
Một trong những lập luận của những người nghi ngờ tính hiệu quả của các tàu ngầm Trung Quốc mà nước này mua là vịnh Thái Lan không đủ sâu để sử dụng các tàu lớp này, mà thay vào đó, nước này nên mua sắm các tàu ngầm mini của Nhật Bản hay của Pháp.
Tuy nhiên, việc mua sắm các tàu ngầm Trung Quốc còn có nhiều vấn đề khác mà giới chuyên gia quân sự đã chỉ ra trong một bài viết trên Sputnik/Nga.
Theo chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov, tàu ngầm Trung Quốc có rất nhiều điểm yếu mà Thái Lan không nên mua sắm. Các tàu ngầm này thuộc thế hệ thứ hai nên không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hiện đại, đặc biệt là độ ồn của chúng quá lớn nên rất dễ bị phát hiện.
Theo dữ liệu của các nguồn công khai, hiện nay ở khu vực châu Á, các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Triều Tiên và Hàn Quốc, Nhật Bản đều sở hữu hạm đội tàu ngầm. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là mạnh nhất.
Tất nhiên là các tàu này có đủ khả năng đối phó các tàu ngầm của các dự án cũ khá phổ biến ở Đông Nam Á, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trong các cuộc xung đột cục bộ trong khu vực, nhưng chúng không thể chống lại các tàu ngầm thế hệ mới của Nga, Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nếu mục đích của Thái Lan là bảo vệ vùng biển của nước mình trong những cuộc xung đột vũ trang với các quốc gia láng giềng thì các tàu ngầm lớp này có thể phù hợp, nhưng nếu phải đối đầu với các tàu ngầm Kilo, Lada của Nga hay Type 214 của Đức (phiên bản Hàn Quốc) hay tàu ngầm Soryu Nhật thì nó còn kém xa.
Trước đây, giới báo chí đã thông báo rằng, Thái Lan có kế hoạch triển khai hai tàu ngầm ở vùng Vịnh Thái Lan và một tàu ở vùng biển Andaman. Thái Lan sẽ là quốc gia đầu tiên mua tàu ngầm từ Trung Quốc, đặc biệt là với giá tương đối rẻ và có sẵn dịch vụ sau bán hàng.
Mua tàu ngầm Trung Quốc được coi là không phù hợp với Thái Lan |
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov lưu ý rằng, Trung Quốc bán phiên bản S-26T dành cho xuất khẩu của tàu ngầm Type 039, bằng cách này mở rộng và tăng cường ảnh hưởng của mình ở Thái Lan.
Sau khi trang bị tàu ngầm Trung Quốc cho lực lượng Hải quân, Thái Lan sẽ phụ thuộc vào vũ khí Trung Quốc vì cần phải cung cấp các linh kiện cần thiết, đào tạo chuyên gia, trang bị các ngư lôi…; từ đó gia tăng sự phụ thuộc của Băng Kok về chính trị đối với Bắc Kinh.
Giới phân tích nhận định rằng, từ trước đến nay Thái Lan vẫn luôn mua sắm vũ khí Mỹ nhưng gần đây Bangkok đã mua sắm thêm một số vũ khí Nga và Trung Quốc nên điều này hẳn sẽ làm Washington không hài lòng. Theo vào đó, tư duy thân Mỹ vẫn còn tồn tại trong phần lớn các quan chức quốc phòng và chính khác nên việc hợp đồng này bị phản đối cũng là điều dễ hiểu.
Mặc dù trong nước đang lan rộng tâm lý chống lại hợp đồng này nhưng giới chức lãnh đạo Thái Lan (tức giới chức quân sự) cương quyết không từ bỏ ý định mua sắm tàu ngầm Trung Quốc, để sớm đưa nước này trở lại câu lạc bộ các nước sở hữu hạm đội tàu ngầm.
Trước đây, Hải quân Thái Lan đã từng được trang bị các tàu ngầm Nhật Bản trong những năm 1937-1951. Trong những năm 1990, chính phủ Thái Lan đã không dưới một lần cố gắng khôi phục hạm đội tàu ngầm. Vào năm 2010, Thái Lan đã chuẩn bị mua 6 tàu ngầm Đức đã qua sử dụng, nhưng, hợp đồng không được ký kết vì lý do tài chính và chính trị.
Theo Đất Việt