Ngày 11/5, tại TP.HCM, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khai mạc Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương “Ứng phó với biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”.
Hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đồng chủ trì. Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự của bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM; lãnh đạo Quốc hội các nước Myanmar, Philippines, Timor Leste,… và hơn 200 đại biểu đến từ Quốc hội của 24 nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đồng chủ trì hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần này |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước, sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích của thành phố”.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, TP đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, an ninh, an sinh xã hội. Do đó, ông đánh giá Hội nghị IPU là cơ hội để TP.HCM mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với biến đối khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ con cháu mai sau.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, hội nghị là cơ hội để TP.HCM mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu |
Nhận thức được tầm quan trọng của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam cũng như các nước ven biển và các quốc đảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội Việt Nam nhất trí cao với IPU về các nội dung nghị sự của hội nghị lần này.
Cụ thể, hội nghị chuyên đề lần này bàn thảo về 4 vấn đề chính. Thứ nhất là thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; thứ hai là thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; thứ ba là các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp; cuối cùng là việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Kết quả của Hội nghị sẽ được chuyển tới Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới để chia sẻ với các thành viên IPU, trong đó có đề xuất các giải pháp và hành động của Quốc hội, Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cùng ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã tiến hành công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững dành cho các nghị viện do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng.
Đến tối ngày 11/5, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) đã diễn ra Lễ chuyển giao chức Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF) nhiệm kỳ 2017- 2018 giữa Quốc hội Fiji và Quốc hội Việt Nam. Với cương vị là Chủ tịch diễn đàn APPF nhiệm kỳ 2017- 2018, Quốc hội Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF tại Việt Nam vào tháng 1/2018.
Theo Dân Trí