Duyên vợ chồng và duyên công việc

Thứ tư, 08/02/2012, 13:51
Anh Phạm Đức Trung Kiên, nguyên Giám đốc điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF), tự nhận có ít nhất 2 người phụ nữ gắn bó với cuộc sống của anh.

Người thứ nhất

Người thứ nhất là chị Thủy, vợ anh. Anh kể, trong một về lần nước, tình cờ gặp chị tại Nha Trang. Cả hai đều bị “tiếng sét ái tình” xoẹt trúng tim. Chị Thủy bật mí: “Chúng tôi quen nhau 6 tháng thì cưới”. Anh Kiên đính chính: “Chỉ có 4 tháng thôi. Có thể nói thế này: Tất cả chỉ vì anh Kiên mê chị Thủy”. Anh hãnh diện nói thêm: “Thủy nhỏ hơn tôi 16 tuổi. Tóm lại, tôi lấy được vợ trẻ và đẹp nữa chứ!”. Trong khi đó Kiên là một người khiếm thị.

Lúc còn ở Mỹ, vào năm 19 tuổi, bác sĩ khám mắt cho anh phán một câu lạnh gáy: “Cậu có thể trở thành người mù bất cứ lúc nào vì căn bệnh thoái hóa võng mạc! Có thể sau 6 tháng mà cũng có thể đến sau 40 năm”. Anh Kiên nhớ lại: “Lúc đó đúng vào ngày sinh nhật của tôi - 1.3.1978. Nghe vậy, tôi bàng hoàng lo lắng. Tôi đi ra, ngồi lặng trong xe hơi, mặc tuyết rơi trước mặt hàng tiếng đồng hồ…”. 

Thế rồi, Kiên đã buộc sớm làm quen với cây gậy dẫn đường cho người khiếm thị. Bất chấp bệnh tật, Kiên vẫn đeo đuổi việc học để lấy bằng cử nhân marketing quốc tế tại Trường ĐH Colorado. Tiếp đó, anh là người Việt Nam đầu tiên được tiếp nhận vào chương trình cao học tại Trường ĐH Stanford danh giá. Tại đây, anh nhận một lúc hai bằng thạc sĩ về quản lý kinh doanh và kinh tế toàn cầu. Năm 1990, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Stanford, Trung Kiên vinh dự nằm trong số 100 cựu sinh viên xuất sắc xuyên suốt lịch sử của trường.


Anh Phạm Đức Trung Kiên và vợ - Ảnh: Như Lịch 

Tuy khiếm khuyết thị lực nhưng trong nhiều năm, anh vẫn được bổ nhiệm làm trợ tá đặc biệt phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Từ năm 2001 đến 2003, anh được chính quyền Tổng thống George W.Bush (con)  tuyển chọn làm Giám đốc điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) do Quốc hội Mỹ thành lập. Thông qua VEF, đến nay đã có hàng trăm sinh viên Việt Nam xuất sắc đến Mỹ học thạc sĩ, tiến sĩ và sau đó trở về phục vụ quê hương.

Người thứ hai

Suốt 12 năm nay, Quỹ Việt Nam (The Vietnam Foundation) do anh Kiên làm chủ tịch kiêm đồng sáng lập đã trao tặng 341 suất học bổng cho sinh viên mù xuất sắc trong suốt quá trình học tập. Tổng số tiền tài trợ học bổng đến nay đã lên đến 41 ngàn đô la Mỹ và 555 triệu đồng. Anh luôn động viên những bạn trẻ khiếm thị đồng cảnh ngộ: “Đừng bao giờ bỏ cuộc. Viên ngọc trai nào cũng bắt đầu từ hạt cát. Phải trở thành những viên ngọc trai của Việt Nam, các em nhé!”.

Trước những lời cảm ơn dồn dập của những sinh viên mù dành cho mình trong một buổi trao học bổng, anh Trung Kiên nói: “Người đáng cảm ơn nhất ở đây chính là Hướng Dương. Cô ấy đã bắc cầu đưa anh đến với các em và giúp anh có động lực lớn khi thực hiện những chương trình này. Cô ấy là một người quả cảm, hết lòng vì đàn em”.

Hướng Dương là ai? Đó chính là chị Nguyễn Hướng Dương - Chủ nhiệm Thư viện Sách nói dành cho người mù TP.HCM. Trong số những người phụ nữ khác ngoài vợ mình, anh Kiên có mối quan hệ khắng khít với chị Hướng Dương. Đề cập đến mối quan hệ này, chị Hướng Dương giải thích: “Hai anh em đều mê truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Cả hai còn gặp nhau ở chí hướng làm từ thiện nên rất quý nhau”.

Khi được hỏi có biết về “mối quan hệ đặc biệt” trên của chồng hay không, chị Thủy nhẹ nhàng chia sẻ: “Chị Hướng Dương và anh Kiên đều là những người có tâm, ngẫu nhiên gặp nhau. Duyên này không phải vợ chồng mà là duyên công việc”. “Có khi nào chị ghen với những người có “duyên công việc” với chồng chị?”. Chị Thủy tỏ ra tự tin: “Hồi trước, anh Kiên có rất nhiều dịp tiếp xúc với những hoa hậu, người mẫu. Vậy mà nhằm nhò gì đâu!”.

Trước nhiều sinh viên khiếm thị, anh Kiên quay về phía vợ, dịu dàng nói: “Người thứ hai các em cảm ơn giúp anh là chị Thủy - vợ anh. Trái tim của anh, cuộc đời của anh dành phần lớn cho xã hội, ngay khi anh ở Mỹ hay ở Việt Nam. Và vợ anh là người thông hiểu sâu sắc điều đó, đã luôn sát cánh, dành dụm, tiết kiệm cho anh làm từ thiện”.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn