Cho thuê vỉa hè: Sẽ hết bảo kê?

Thứ năm, 08/06/2017, 09:19
Người dân buôn bán kinh doanh trên vỉa hè tại TP.HCM cũng như các chuyên gia đều ủng hộ việc Sở GTVT TP.HCM lập đề án cho thuê vỉa hè để đảm bảo công khai minh bạch, không bị các thế lực “ngầm” khai thác vỉa hè như một thực tế vốn tồn tại lâu nay.

Hiện nay Sở GTVT TP.HCM đã trình dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.

Người dân vừa mừng, vừa lo

Chiều 7/6, khi nghe PV nói về việc TP.HCM sắp thu phí sử dụng vỉa hè mỗi tháng cả trăm nghìn đồng ở trung tâm thành phố, riêng quận 3 là 80 nghìn đồng/m2, bà Năm (57 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bán nước giải khát ở đường Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) bất ngờ, bởi bà chưa biết thông tin này. Theo bà, mới tối hôm trước xem tivi vẫn nghe thành phố còn thực hiện “chiến dịch” dẹp vỉa hè, không để tái chiếm trở lại nên bà vừa bán vừa run.

Bà Năm thắc mắc: “Sao vừa dọn dẹp vỉa hè mà còn cho thu phí nữa?”. Còn bà Hai Hường (50 tuổi, ngụ quận 3) bán thuốc lá cạnh đó góp chuyện “Cho thuê vậy mình khỏi phải lo sợ bị đuổi rồi còn gì. Nếu mình bỏ tiền ra thuê vỉa hè thì yên tâm mà buôn bán, không lo sợ mỗi khi lực lượng trật tự đô thị kiểm tra dẹp vỉa hè”.

Nghe đến đây, bà Năm nhớ lại cách đây hơn một tháng, khu vực bà buôn bán bị lực lượng đô thị đến kiểm tra, trong lúc dọn để chạy thì bà bị mấy người lạ, mà theo bà là mấy tay giang hồ lấy mất hai cái vỏ xách đựng đồ, mất hơn 2 triệu đồng. Nay nếu cho thuê vỉa hè, bà Năm nói sẽ không còn sợ phải “chạy trốn” và lo lắng bị những tay giang hồ đến kiếm chuyện đòi tiền “bảo kê”. “Tui sẵn sàng thuê để yên tâm buôn bán. Với cái tủ nước của tui thì chỉ cần thuê 1m2 cũng bán được rồi, mà không phải lo sợ “chạy trốn”, mất đồ đạc nữa”- bà chia sẻ.

Với bản mức phí mà dự thảo đề án đưa ra thì ở quận 1 có mức phí thuê cao nhất, mỗi tháng với 100 nghìn đồng/m2, bà Bích (49 tuổi, quê Bình Định), bán nước giải khát ở góc đường Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng (quận 1) nói số tiền này không lớn lắm. Theo bà Bích, hiện bà bán nước không chiếm nhiều diện tích nên nếu tiết kiệm sẽ rủ thêm bạn cùng thuê để bán. “Nhưng buôn bán nhỏ như tui, có được nằm trong diện để thuê hay không?”- bà lo lắng.

Chỉ cần nộp phí đầy đủ, mọi người có thể thỏa mái buôn bán trên vỉa hè

Sở GTVT, chuyên gia nói gì?

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường nhằm đóng góp một phần chi phí cho ngân sách nhà nước trong việc duy tu bảo dưỡng đường bộ, bến bãi. Đồng thời tăng cường quản lý việc sử dụng một phần công năng của vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố một cách có hiệu quả hơn.

Cũng theo Sở này, việc thu phí còn nhằm nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè. Qua đó đảm bảo được trật tự lòng lề đường, tránh tình trạng tái chiếm vỉa hè, lòng đường tràn lan, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Nói về công nghệ trong công tác thu phí, ông Lê Minh Triết, giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn (đơn vị lập dự án thu phí) cho biết, đơn vị sẽ báo cáo Sở GTVT TP.HCM về việc ứng dụng công nghệ trong công tác thu phí lòng lề đường

Hiện nay, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, trình HĐND TP.HCM thông qua để sớm ban hành danh mục các tuyến đường cho sử dụng tạm lòng lề đường có thu phí ngay trong năm 2017 này.

Về dự án thu phí này, trao đổi với Tiền Phong, các chuyên gia đều đồng tình ủng hộ. Việc này phù hợp với nguyên tắc về tài chính đô thị và công năng của lòng đường, vỉa hè công cộng, tránh tình trạng để thế lực “ngầm” khai thác vỉa hè, mà thất thoát ngân sách nhà nước.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sử trưởng TP.HCM cho biết, theo nguyên tắc về tài chính đô thị, ai được hưởng lợi thì phải trả tiền. Như vậy ai sử dụng tài sản công như vỉa hè, lòng lề đường thì phải trả tiền, trả phí là điều tất nhiên. Thành phố thu phí để nhằm phục vụ đầu tư trở lại cho vỉa hè, cho các công trình khác ở vỉa hè, lòng đường để người dân được hưởng trở lại các công năng này.

“Mặt lợi của việc thu phí giúp Nhà nước quản lý được người sử dụng, không để xảy ra tình trạng khai thác “ngầm” vỉa hè, lòng đường. Bởi số tiền này sẽ được thu về ngân sách nhà nước, không rơi vào túi một số cá nhân khiến người dân bức xúc. Quan trọng, việc thu phí phải thực hiện một cách công khai, minh bạch sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ người dân”, ông Cương nói.

Ở góc nhìn khác, tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc thu phí phải áp dụng dù sớm hay muộn. Tuy nhiên, việc Sở GTVT nâng mức giá thu phí chưa phải là biện pháp căn cơ, bền vững, chưa đi sâu vào bản chất vấn đề.

Theo chuyên gia này, việc quản lý sử dụng không gian vỉa hè trước đây bị bỏ ngỏ, giá cho thuê, đậu xe cũng thấp. Sau chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè thì chính quyền mới thấy được việc sử dụng vỉa hè là cần thiết bởi không gian vỉa hè không chỉ cho người đi bộ mà còn phục vụ nhiều công năng khác, trong đó có việc kinh doanh của người dân.

“Tuy nhiên, muốn cho thuê, thu phí sử dụng vỉa hè thì trước hết phải quy hoạch lại, phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về không gian vỉa hè. “Phải có quy chế, xem sử dụng ra sao, thu phí như thế nào… còn chỉ nâng giá thì không bền vững”, ông nói, đồng thời dẫn chứng: Trước đây TP.HCM cũng đã có chính sách sử dụng tạm thời một số tuyến đường để làm nơi đậu xe có thu phí nhưng điều bất cập là giá thu phí quá thấp, trong khi các công trình công cộng cho đậu xe nhưng lấy giá cao. Vì vậy tài xế không vào bãi xe công cộng mà đậu ngoài đường gây cản trở giao thông.

Việc nâng giá và thu phí nếu giao về các địa phương sẽ dễ xảy ra tiêu cực như tình trạng cát cứ, lợi ích nhóm hay bảo kê. “Theo tôi việc này các sở ngành cần có nghiên cứu, tốt hơn hết UBND TP.HCM nên giao cho một đơn vị trực thuộc ví dụ như Sở Tài chính. Sở này sẽ chủ trì nghiên cứu, lập kế hoạch thu chi và nộp ngân sách. Còn địa phương chỉ tham gia kiểm tra, hỗ trợ phối hợp với sở”, TS Phạm Sanh nêu quan điểm.

Sau dọn vỉa hè lại cho thu phí?

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, việc lập lại trật tự lòng lề đường là việc làm rất cần thiết, tuy nhiên, việc dẹp vỉa hè phải có sự chuẩn bị, bởi vỉa hè không chỉ có công năng cho giao thông, mà còn sử dụng cho các mục đích khác phục vụ đời sống người dân, trong đó có quyền được kinh doanh buôn bán. “Một bên dẹp vỉa hè lập lại trật tự đô thị, một bên là thu phí sử dụng vì lợi ích công cộng. Vậy ai sử dụng vỉa hè, lề đường thì phải trả tiền, trả phí”, ông Cương nhấn mạnh.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích