|
Chiến đấu cơ tàng hình J-10 của Trung Quốc |
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ được công bố hôm qua, Trung Quốc đang cấp tập xây dựng một số nhà chứa máy bay với kích thước đủ rộng để tiếp nhận 24 chiến đấu cơ và các cơ sở quân sự khác trên 3 trong số 7 bãi đá thuộc Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo.
Quân sự hóa vùng tranh chấp
“Trung Quốc đang tập trung xây dựng cơ sở quân sự trên 3 bãi đá lớn nhất là đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn sau khi hoàn tất bồi đắp, xây đảo nhân tạo tại 7 bãi đá hồi đầu năm 2016. Một khi hoàn tất cơ sở quân sự, Trung Quốc có thể triển khai 3 phi đội máy bay chiến đấu đến đây”, Kyodo News dẫn lại báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quân sự Trung Quốc. Theo dự đoán của các chuyên gia Bộ Quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh Trung Quốc sẽ triển khai các loại máy bay quân sự hiện đại như J-10, J-20 và FC-31 đến Trường Sa. Trong đó, J-20 và FC-21 có thể sẵn sàng được đưa vào hoạt động vào năm 2018.
Trong thời gian qua, bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và đã ngang nhiên cho đáp thử thành công máy bay dân sự lẫn quân sự xuống các đường băng phi pháp tại những khu vực này. Lầu Năm Góc cảnh báo những hành động nói trên nằm trong kế hoạch quân sự hóa và thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. “Mặc dù xây đảo nhân tạo không giúp Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền về pháp lý nhưng nước này có thể dùng những thực thể chiếm đóng làm căn cứ tăng cường hiện diện ở Biển Đông”, báo cáo viết.
Lầu Năm Góc cũng đề cập phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (The Hague, Hà Lan) hồi tháng 7.2016 khẳng định Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông và bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần hết vùng biển này. Tuy kịch liệt phản đối phán quyết “nhưng kể từ đó, chính quyền Trung Quốc đã hạ giọng và ít nhắc đến đường lưỡi bò trong các bản tin của truyền thông nhà nước”, theo báo cáo.
Thiếu minh bạch
Lầu Năm Góc đánh giá Trung Quốc thiếu minh bạch về quân sự vì nước này được cho là chi tiêu quân sự ước tính khoảng 180 tỉ USD, lớn hơn ngân sách quốc phòng 144,3 tỉ USD mà chính phủ công bố chính thức hồi tháng 3.2016. Số liệu của Mỹ cho thấy chi tiêu quốc phòng Trung Quốc tăng trung bình 8,5% hằng năm trong giai đoạn 2007 - 2016. “Điều này chứng tỏ giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng trong những năm tới, bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm dần”, theo báo cáo.
Liên quan đến phát triển hải quân, Lầu Năm Góc dự đoán Trung Quốc sẽ có hàng không mẫu hạm tự thiết kế và sản xuất đi vào vận hành năm 2020.
Đề cập vấn đề tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Lầu Năm Góc cho hay Bắc Kinh trong năm 2016 liên tục điều tàu và máy bay đến gần quần đảo này. Tháng 9.2016, Tokyo và Bắc Kinh khôi phục đàm phán về thiết lập đường dây nóng nhằm tránh va chạm trên biển và trên không trong khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông nhưng không có nhiều tiến triển. Lầu Năm Góc tái khẳng định Senkaku/Điếu Ngư được nêu rõ trong điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, có nghĩa là Washington sẽ hỗ trợ Tokyo trong những tình huống khẩn cấp tại đây |