|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3/6. |
Phạm vi và tác động từ hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông khác so với những quốc gia còn lại, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu hôm nay tại Đối thoại Shangri-La, Singapore. "Trong đó có bản chất hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc... coi thường luật pháp quốc tế... và coi thường lợi ích của các quốc gia khác".
Theo ông Mattis, mối đe dọa từ Triều Tiên "hiện diện và rõ ràng". Bình Nhưỡng đã tăng tốc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Mỹ được cổ vũ bởi những nỗ lực của Trung Quốc trong kiềm chế Triều Tiên nhưng Washington sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
"Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải thái quá", ông Mattis nói. "Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi hiện trạng đơn phương, cưỡng ép".
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, khu vực có tổng giá trị hàng hóa khoảng 5.000 tỷ USD đi qua mỗi năm, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng. Trung Quốc còn bồi đắp, quân sự hóa phi pháp 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Mattis cho biết việc tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do đi lại trên không, trên biển sẽ giúp bảo đảm sự ổn định, xây dựng lòng tin, an ninh và thịnh vượng. Mỹ sẽ tiếp tục công việc đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và tự do cho châu Á, tôn trọng mọi quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn đề cập đến chủ nghĩa khủng bố, nói "các nhóm cực đoan" phải bị tiêu diệt, không chỉ ở Iraq và Syria mà còn ở cả Đông Nam Á. Mỹ đang phối hợp với các nước trong khu vực để cải thiện chia sẻ thông tin.
Mỹ huấn luyện và cố vấn cho binh sĩ ở phía nam Philippines, ông Mattis cho biết thêm. Mỹ có binh sĩ luân phiên đồn trú tại quốc gia này.Quân đội Philippines đang phải đối phó với nhóm phiến quân Maute, thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS), ở Marawi sau khi chúng tấn công thành phố này hôm 23/5.
Ông Mattis đang dự diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 với sự tham gia của khoảng 50 quốc gia. Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Philippines là các quốc gia cử bộ trưởng Quốc phòng tới diễn đàn. Những nước khác cử phái đoàn đại diện. Trung Quốc cử Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Quân sự, dẫn đầu đoàn đại biểu nước này dự đối thoại.
Được tổ chức thường niên từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh liên chính phủ, thảo luận và phân tích về các mối quan ngại an ninh và quốc phòng trong và ngoài khu vực.
Theo VNE