|
Thủ tướng Malcolm Turnbull phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La ở Singapore hôm 2/6 (Ảnh: Reuters) |
“Nếu chúng ta muốn duy trì sự phát triển của khu vực, thì chúng ta phải duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ vì điều này sẽ cho phép sự phát triển đó tiến xa hơn”, Thủ tướng Malcolm Turnbull phát biểu trước quan chức cấp cao của các nước tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La ở Singapore vào tối 2/6.
“Khu vực cần sự hợp tác, chứ không phải những hành động đơn phương nhằm chiếm đoạt hoặc hình thành lãnh thổ cũng như quân sự hóa các khu vực tranh chấp”, Thủ tướng Turnbull nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu được chờ đón tại Diễn đàn Shangri-La, Thủ tướng Turnbull đã đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề Biển Đông đang được quan tâm hiện nay. Ông nói: “Duy trì luật lệ trong khu vực, đồng thời tôn trọng chủ quyền của các nước, dù đó là nước lớn hay nhỏ, là chìa khóa để duy trì hòa bình và ổn định”.
Theo đó, ông Turnbull khẳng định Trung Quốc sẽ thành công nhất khi tôn trọng chủ quyền của các nước khác, đồng thời xây dựng lòng tin và sự hợp tác trong khu vực. Nhà lãnh đạo Australia cũng cảnh báo Trung Quốc về các động thái bành trướng của nước này trong khu vực, cho rằng các quốc gia khác sẽ tìm cách tạo đối trọng với Bắc Kinh bằng việc tăng cường quan hệ với Mỹ.
“Một Trung Quốc với cách hành xử cưỡng ép sẽ nhận thấy các quốc gia láng giềng đang phẫn nộ trước những yêu cầu (của Bắc Kinh) nhằm buộc họ phải nhượng bộ quyền tự quyết và không gian chiến lược. Các quốc gia này sẽ tìm cách đối trọng với quyền lực của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các liên minh và quan hệ đối tác giữa họ với nhau và đặc biệt là với Mỹ”, Thủ tướng Turnbull nói.
Bài phát biểu của Thủ tướng Australia được xem là thông điệp mạnh mẽ nhất gửi tới Trung Quốc trong ngày đầu làm việc của Đối thoại Shangri-La năm nay. Tham dự đối thoại này có cả các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, cùng nhiều bộ trưởng, quan chức quốc phòng và các học giả đến từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Trung Quốc gần đây liên tục bị “tố” có những động thái bành trướng như bồi đắp trái phép đảo nhân tạo hay quân sự hóa các thực thể tranh chấp trên Biển Đông nhằm theo đuổi yêu sách phi lý của nước này, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan hồi tháng 7 năm ngoái cũng như sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Theo Dân Trí