Vạn Lý Trường Thành dưới đáy Biển Đông: Chủ yếu phô trương?

Thứ sáu, 02/06/2017, 10:03
Theo chuyên gia, kế hoạch lập hệ thống giám sát dưới nước dường như để Trung Quốc khẳng định họ đang trong giai đoạn trở thành cường quốc về đại dương.

Phô trương sức mạnh trên biển

Trung Quốc đang lên kế hoạch xây một hệ thống giám sát dưới nước quy mô lớn, được ví như một Vạn Lý Trường Thành ngầm, có phạm vi hoạt động bao trùm cả các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, thực ra kế hoạch này đã được Trung Quốc đưa ra từ hồi tháng 2/2017 và gần đây báo chí Trung Quốc cho biết chính quyền nước này Trung Quốc đã thông qua kế hoạch trên.

Đồ hoạ mô phỏng mạng lưới theo dõi dưới biển.

Kế hoạch này, như phía Trung Quốc tuyên bố, là phục vụ cho mục đích dân sự. Thứ nhất, là cảnh báo sóng thần, địa chấn dưới đáy biển. Thứ hai, nhằm giúp cho việc thăm dò, khai thác các tài nguyên dưới đáy biển.

Tuy nhiên, ngay trong phát biểu của chính giới Trung Quốc được tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lại, cũng nói, hệ thống còn bảo vệ các mục tiêu về an ninh và an toàn hàng hải của Trung Quốc.

"Bởi Trung Quốc chưa nói họ sẽ đặt hệ thống giám sát trên như thế nào nên chưa thể nhận xét họ có vi phạm khu vực cốt lõi hay không.

Mặt khác, đưa ra kế hoạch là một chuyện, nhưng có đạt được hay không lại là chuyện khác. Rất nhiều việc Trung Quốc đã làm nhưng không đạt được mục đích đề ra. Vì thế, dường như kế hoạch này của Trung Quốc vẫn tập trung vào việc để phô trương sức mạnh của họ trên vùng biển. Trung Quốc muốn khẳng định họ đang trong giai đoạn biến mình trở thành một cường quốc về đại dương", Ths Hoàng Việt nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia, việc trở thành một cường quốc biển ở khu vực tầm xa không chỉ đơn thuần là trang bị về mặt quân sự mà còn thể hiện trên nhiều mặt và Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh lĩnh vực này.

Ông dẫn chứng, Trung Quốc làm giàn khoan Hải Dương 981 khổng lồ từng xâm phạm vùng biển của Việt Nam năm 2014. Cho đến nay, chưa thấy truyền thông của Trung Quốc thông báo về hiệu quả kinh tế của giàn khoan này, đã khai thác được bao nhiêu mỏ dầu mới...

Như vậy, tới thời diểm này, giàn khoan đó được Trung Quốc tập trung cho mục đích lớn nhất của họ là thể hiện quyền lực biển và sử dụng nó như một phương tiện để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung Quốc nhiều hơn.

"Tương tự, có thể suy luận hệ thống giám sát dưới nước này cũng vậy. Trong bối cảnh trật tự quốc tế đang thay đổi nhiều và có lợi cho Trung Quốc, đây là thời kỳ trỗi dậy của Trung Quốc nên họ tìm mọi cách để làm điều đó.

Làm như vậy, Trung Quốc muốn cho các nước khác thấy họ đã đặt chân tới đó và sau này có chuyện gì thì Trung Quốc nói rằng họ là người đã tới trước, có quyền nhiều ở đó. Ngay cả khu vực Bắc Cực, Trung Quốc cũng đã cho các tàu đến cắm cờ đánh dấu để sau này đòi hỏi quyền lợi của mình", Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.

Các quốc gia lo ngại

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc chưa cho biết cụ thể kế hoạch lập hệ thống giám sát dưới nước sẽ triển khai như thế nào, nhưng chắc chắn nó sẽ sử dụng các tàu ngầm, tàu lặn, chẳng hạn như tàu Giao Long có thể lặn ở độ sâu khá lớn.

"Lúc đó nếu Trung Quốc hoạt động trong vùng biển quốc tế thì được phép, nhưng nếu họ vào vùng biển đang tranh chấp hoặc vùng biển thuộc quyền tài phán, quyền chủ quyền của quốc gia khác thì vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Nếu Trung Quốc hoạt động trên mặt biển, các nước còn có thể mang tàu ra xua đuổi hay yêu cầu rút lui, nhưng khi Trung Quốc sử dụng hệ thống giám sát ngầm như thế, nếu không có khả năng về quân sự thì khó xua đuổi được những hành động như thế của Trung Quốc", Ths Hoàng Việt phân tích.

Trước đó, theo nhận định của các chuyên gia, hệ thống giám sát này của Trung Quốc thật ra là một hệ thống “gián điệp” dưới nước với mục đích cung cấp mọi di biến động của tàu nước ngoài đi qua các vùng biển này, và cả di chuyển của các loại tàu ngầm của Mỹ, Nhật cũng như các nước khác trong khu vực.

Bởi thế, Ths Hoàng Việt dự đoán, Mỹ và Nhật sẽ có phản ứng nhưng khác nhau. Bản thân Mỹ cũng là quốc gia đặt rất nhiều hệ thống giám sát dạng tương tự trước đây và Mỹ cũng là cường quốc hàng đầu về đại dương hiện nay.

Cuộc đụng độ năm 2009 giữa một số tàu của Trung Quốc với tàu khảo sát Impeccable của Hải quân Mỹ là một ví dụ cho thấy Mỹ đã sử dụng các tàu thăm dò địa chấn rất nhỏ.

Ông cũng nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc khiến các quốc gia khác đặc biệt lo ngại bởi nó thường ẩn chứa sau đó những toan tính về quân sự.

"Gần đây Ấn Độ tuyên bố muốn xây dựng hệ thống cảnh báo về thiên tai, các quốc gia không mấy lo ngại, nhưng với Trung Quốc thì khác. Trong quá khứ và thời gian gần đây hành động của Trung Quốc đã cho thấy những toan tính của họ.

Với hệ thống giám sát dưới nước này, Trung Quốc nói là để bảo vệ an ninh quốc gia và mục tiêu quan trọng nhất của họ chính là các tàu ngầm. Các quốc gia hiện nay phát triển quân sự mạnh, ngoài việc có các tàu khu trục, hạm đội trên mặt nước, còn có sự phối hợp của tàu ngầm.

Biển Đông và Hoa Đông là khu vực cực kỳ quan trọng về thương mại và còn có những nhân vật Trung Quốc luôn coi là đối thủ như Mỹ, Nhật nên chắc chắn Trung Quốc sẽ theo dõi nhiều các hạm đội tàu ngầm của những nước này nhằm tăng cường, chuẩn bị cho các vấn đề về quân sự, quốc phòng của mình", Ths Hoàng Việt cho biết.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn