Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết 8 nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL: mất cân bằng bùn cát, địa chất khu sạt lở mềm yếu, xây dựng công trình ven sông biển, nước biển dâng cao, nạn khai thác bùn cát, hoạt động giao thông đường thủy, khai thác nước ngầm quá mức, tỷ lệ phân bố dòng chảy...
Theo quan điểm của PGS.TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM, các nguyên nhân được Bộ Nông nghiệp chỉ ra khá chung chung và chưa nêu được thật sự các nguyên nhân sạt lở của từng khu vực và từ đó sẽ khó đưa ra cách giải quyết hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp: Sạt lở ở ĐBSCL do 8 nguyên nhân chính. |
"Mỗi khu vực sạt lở khác nhau sẽ do nguyên nhân khác nhau và từ đó mới tìm ra cách khắc phục hiệu quả nhất. Sạt lở ở bờ sông sẽ khác sạt lở bờ biển.
Sạt lở ở tỉnh này hay tỉnh khác có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng do các nguyên nhân thuộc yếu tố xã hội khác nhau.
Nếu chỉ nêu nguyên nhân chung chung thì thật khó để đưa ra giải pháp cho mỗi khu vực sạt lở" - PGS.TS. Hồ Long Phi nhận định.
Ông Phi cho rằng, nguyên nhân sạt lở do mất cân bằng bùn cát diễn ra trong một thời gian rất dài nên không mang tính chất tác động trực tiếp.
Ông cũng đồng tình với một số nguyên nhân được Bộ Nông nghiệp nêu ra như nạn khai thác bùn cát quá nhiều. Điều này sẽ tạo nên những hố lớn làm lòng sông sâu xuống bất thường và cần lượng bùn cát khác để bù đắp vào, từ đó dẫn đến sạt lở trên quy mô lớn.
Tác nhân cơ học khác như việc xây dựng nhà tầng, gia tải trên vùng đất ven sông, ven biển... hay sóng đánh, tàu thuyền chạy vận tốc lớn, lực sóng tác động mạnh vào bờ là những nguyên nhân được cho là gần như trực tiếp ảnh hưởng tới sự sụt lở quy mô lớn thời gian qua khi nền đất yếu không chịu được quá nhiều tác động như vậy.
Bên cạnh đó, theo ông Phi, một nguyên nhân được cho là có tính tác động đến tình hình sạt lở ở ĐBSCL thời gian qua là việc ngăn dòng, xây đập thủy điện, xây hồ chứa trên dòng chính sông Mekong ở các quốc gia cùng hưởng chung lợi ích với Việt Nam.
PGS.TS. Hồ Long Phi cho biết, trong tương lai có khoảng 120 hồ chứa thủy nông ở khắp khu vực thượng lưu sông Mekong phân bố rải rác tại Lào, Campuchia, Thái Lan.
Nếu như tính toán thông qua mô hình, chỉ 20-30 năm nữa sẽ làm thất thoát phù sa khoảng 90%, trong khi đến nay đã thất thoát khoảng 50% .
Lượng đất phù sa không về và tác động dòng chảy cũng là tác nhân tác động tới việc sạt lở ở hạ lưu Mekong tại Việt Nam là khu vực ĐBSCL dù không phải bất thường nhưng chúng ta vẫn cần biết để kịp thời tìm biện pháp ứng phó.
PGS.TS. Hồ Long Phi cho hay, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Điều này thể hiện sự quan tâm cấp thiết của Chính phủ tới vấn đề sạt lở ở ĐBSCL không còn là chuyện cảnh báo, dự đoán.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. |
Việc cần làm hiện nay vẫn là phải xác định chính xác nguyên nhân, nguyên nhân nào chính, nguyên nhân nào phụ để tìm các biện pháp đối phó sao cho hiệu quả, không gây lãng phí.
Cùng quan điểm này, Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng, các nguyên nhân mà Bộ Nông nghiệp đưa ra chỉ mang tính khái quát, chung chung, là các gạch đầu dòng ngắn gọn chưa nêu được rõ ràng trực trạng cũng như khó dựa vào đó để tìm ra các biện pháp phù hợp.
Theo nghiên cứu của ThS. Quang, ĐBSCL là một trong những đồng bằng phù sa non trẻ nhất trên thế giới. Ở các khu vực ven sông là dải phù sa ngọt tơi xốp trong khi càng ra phía biển là vùng đất giồng, cấu tạo chủ yếu là đất cát pha với độ kết dính giảm dần.
Do đó, khả năng tan rã tự nhiên của tầng đất mặt ở ĐBSCL rất cao, độ cố kết và đàn hồi chịu đựng trước tác động của dòng chảy là rất hạn chế.
Với càng nhiều tác động cơ học như gia cố tầng đất ven sông, ven biển như xây nhà tầng, nhà xưởng... sẽ càng khiến nền đất không chịu nổi lực và sạt lở.
Thủy điện Pak Beng dự kiến xây dựng cũng tác động một phần tới sạt lở ở ĐBSCL. |
Ngoài ra, một nguyên nhân tuy không tác động trực tiếp tới tình hình sạt lở ĐBSCL nhưng sẽ tác động lâu dài tới quá trình này, đó là việc các đập thủy điện được xây dựng trên dòng Mekong, không những làm giảm lượng phù sa mà còn làm ảnh hưởng tới dòng chảy đổ vào sông Tiền, sông Hậu.
"Nhắc tới nguyên nhân làm sạt lở bờ sông ở ĐBSCL phải nhắc tới tác động sâu xa từ các đập thủy điện trên dòng Mekong để thấy rằng, điều này đang được các quốc gia khác kiểm soát mà ta không thể can thiệp bằng bất cứ cách làm nào.
Chúng ta phải tự cứu lấy mình và phải biết các tác động từ bên ngoài ảnh hưởng ra sao để tìm phương án thích hợp" - ThS. Quang nói.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp, trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 406 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 891km. Trong đó, sạt lở nguy hiểm là 17 đoạn, dài 33.607km.
Theo Đất Việt