|
PGS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam nói việc dựng thang vượt khối thạch nhũ “Bức tường Việt Nam” hàng triệu tuổi đương nhiên có tác động nhưng không trầm trọng. “Ông Howard Limbert có viết thư cho tôi. Ông cho tôi hiểu việc đó tốt cho khai thác du lịch của Sơn Đoòng: Giảm một ngày đi đường cho du khách.
Trước kia khách đến bức tường đó phải quay trở ra trên đoạn đường 6km nữa, bây giờ vượt qua bức tường mất mấy tiếng là khách ra tới đường mòn Hồ Chí Minh. Cả đoàn khách quay ra 6km mất cả ngày, không những thế những người đi trên con đường ấy sẽ giẫm lên thạch nhũ. Xét độ tổn hại thì việc dựng thang nhỏ hơn so với phương pháp cũ”, PGS Tạ Hòa Phương nói.
Ông Phương tin rằng Howard-người khám phá ra Sơn Đoòng- giàu kinh nghiệm, sẽ chọn ra chỗ ít tổn hại nhất. “Bức tường rất lớn, rộng 150m, cao 90m nên diện tích thang đi qua cực nhỏ so với bức tường rất lớn. Hơn nữa cách họ làm cũng cẩn thận. Họ lợi dụng số đinh chốt của chuyến đi thám hiểm đầu tiên năm 2010, cắm thêm một số cái nữa. Chân thang cắm thẳng xuống nền đất và chốt đầu phía trên lại, thang dựng đứng không áp vào khối thạch nhũ đồng thời có phương án để trong quá trình di chuyển không lung lay, không tác động vào bức tường. Tôi tin Hội Hang động hoàng gia Anh là những người bảo vệ Sơn Đoòng rất kỹ nên đưa ra phương án tốt nhất, ít làm ảnh hưởng cấu trúc địa chất nhất”, TS Phương phân tích.
Khó chấp nhận
PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoảng sản: “Tôi thấy hơi lạ, đấy lại là ý tưởng của một ông chuyên gia về hang động kỳ cựu gắn bó với Sơn Đoòng, người phản đối chuyện xây cáp treo rất ghê. Ông ấy đề xuất ý tưởng thế này để làm gì? Bởi khi khai thác hang động, người ta cố gắng giảm thiểu tất cả tác động, động chạm như cầu thang, đèn, ánh sáng chiếu vào. Tôi thấy phương án này không ổn lắm”.
PGS. Văn nói rằng khách vào Sơn Đoòng đã trải nghiệm rất nhiều cung bậc cảm xúc rồi, liệu việc vượt thêm cái thang có ý nghĩa hơn không. Chưa kể thang đó cũng nguy hiểm, quá trình thi công e có rủi ro.
Ông cho rằng, việc chưa có báo cáo tác động môi trường trước khi thi công là khó chấp nhận. Về mặt lý thuyết, khi khai thác hang động cần đánh giá ngưỡng chịu tải, chỉ số về khí thải và thậm chí có những hang động phải “đóng cửa” một thời gian trong năm để hệ thống thạch nhũ và sinh thái trong hang phục hồi. “Dù việc dựng thang không tác động ghê gớm như xây cáp treo nhưng phải thận trọng, hạn chế tối đa tác động vật lý, các công trình trong hang”, PGS. Văn nói.
Ông Nguyễn Thái Bình, Người phát ngôn Bộ VHTTDL cho biết Bộ chưa nhận được báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình. Ngày 28/5 tỉnh Quảng Bình có đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực địa hang Sơn Đoòng. Hôm 17/5, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký công văn số 2108 gửi UBND tỉnh Quảng Bình. Lãnh đạo Bộ nhắc lại, Bộ tiếp nhận phản ánh việc Công ty Oxalis thí điểm khai thác xuyên động Sơn Đoòng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cấu tạo địa chất của hang. Bộ đề nghị tỉnh Quảng Bình chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra thực tế, nếu đúng như thông tin phản ánh thì tạm dừng thi công, đồng thời khẩn trương báo cáo Bộ”. |
Theo Tiền Phong