|
Bên trong Sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực đèn sáng phía sau là sân golf. |
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ vừa thông tin liên quan đến các phương án đầu tư, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không (sân bay) quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đã khẩn trương nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch.
Ông Thọ cho hay, trên cơ sở quỹ đất hiện có (kể cả phần diện tích đất do quốc phòng quản lý) và mục tiêu nâng công suất khai thác, tư vấn đã nghiên cứu 7 phương án quy hoạch.
Sau đó, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần chủ trì cuộc họp để nghe tư vấn báo cáo, ý kiến các Bộ ngành và UBND TP.HCM, trên cơ sở đó đã báo cáo và được Thường trực Chính phủ thống nhất lựa chọn phương án 3. Với phương án trình duyệt này, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được nâng cấp, mở rộng đế đáp ứng công suất 43-45 triệu hành khách/năm.
Cụ thể, ngoài việc nâng cấp các nhà ga hiện có (đạt tổng công suất 28 triệu khách/năm), sửa chữa các đường CHC, quy hoạch bổ sung thêm 1 nhà ga hành khách trên khu đất phía Nam của cảng trên phần diện tích đất hiện do Bộ Quốc phòng quản lý với công suất khoảng 15 triệu hành khách/năm; xây mới 1 đường lăn song song và tập trung mở rộng sân đỗ tàu bay để đáp ứng tổng số khoảng 80-82 vị trí đỗ, đồng thời nâng cấp, mở rộng và xây mới các tuyến đường kết nối giữa cảng với hệ thống giao thông thành phố, cũng như hệ thống thoát nước khu vực Cảng với hệ thống thoát nước của thành phố.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là phần đất sân golf ở phía Nam sân bay, do Bộ Quốc phòng quản lý hiện nay, sẽ được xử lý như thế nào trong phương án mở rộng? Về nội dung này, ông Thọ cho hay, trong 7 phương án được lập, có 4 phương án sử dụng đất sân golf để làm đường cất hạ cánh thứ 3 và các công trình phụ trợ.
Tuy nhiên, theo thứ trưởng phụ trách mảng hàng không, các kịch bản của phương án mở thêm đường CHC thứ 3 bằng cách lấy đất sân golf và giải phóng các hộ dân cạnh sân bay gặp khó khăn vì mức đầu tư lớn, giải phóng mặt bằng rộng, thời gian triển khai dài.
Chẳng hạn, phương án được tư vấn Nhật Bản đưa ra có tổng mức đầu tư 201 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 140.000 hộ dân, diện tích GPMB lên tới 616ha. Theo hướng xây dựng thêm đường CHC mới cũng có các phương án ít tốn kém hơn; trong đó thấp nhất ở mức 100.961 tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 25.400 hộ dân, GPMB 326.5ha.
“Dễ dàng nhận thấy, các phương án trên đều có khối lượng GPMB lớn, số hộ dân phải giải toả nhiều nên kinh phí triển khai sẽ rất tốn kém, thời gian xây dựng kéo dài và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Trong khi phương án 3 (phương án được Thường trực Chính phủ thống nhất lựa chọn) thì với cùng mục tiêu đáp ứng năng lực khai thác 43 - 45 triệu hành khách/năm lại có thời gian thực hiện quy hoạch nhanh nhất (2 – 3 năm), kinh phí thấp nhất (ước khoảng 16.000 tỷ đồng) và diện tích đất quốc phòng phải chuyển đổi là ít nhất (14,52ha) là phương án khá tối ưu” – ông Thọ lý giải.
Vấn đề sân golf cạnh sân bay Tân Sơn Nhất được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Ngày 1/6, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cho rằng xây dựng sân bay Long Thành là chuyện của nhiều năm tới, trong thời gian đó điều cần nhất chính là làm sao sử dụng tốt nhất hiệu suất của sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong bối cảnh sân bay này ngày càng quá tải. “Nhưng trong khi đó, đất sân bay lại được cắt ra làm sân golf, nhà hàng khách sạn. Ai có vào sân golf, nhà hàng khách sạn đó mới thấy lòng đau nhói. Trong khi bên cạnh sân bay quá tải, ngoài kia kẹt xe nhích từng chút, thì đất sân bay lại được cắt sử dụng mục đích khác” - đại biểu Lộc nói. |
Theo Tiền Phong