Tổng thống Nga: Cảnh báo nguy hiểm, thế giới không ai nghe!

Thứ bảy, 03/06/2017, 09:20
Tổng thống Putin cho rằng thế giới đã không lắng nghe Nga về việc Mỹ phá vỡ thế cân bằng chiến lược khi mở rộng hệ thống tên lửa khắp thế giới.

Cảnh báo thật lòng

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc Mỹ mở rộng hệ thống tên lửa trên khắp thế giới là một "thách thức" đối với nước Nga và đòi hỏi Moscow phải đáp trả bằng hình thức tăng cường khả năng quân sự tại khu vực.

Phát biểu với các phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg diễn ra ngày 1/6, ông Putin cho biết nước Nga không thể khoanh tay đứng nhìn trong khi những nước khác tăng cường khả năng quân sự dọc biên giới ở khu vực Viễn Đông và châu Âu.

Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg

Ông Putin nói: “Họ có các thành phần hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại Alaska và bây giờ tại Hàn Quốc. Liệu chúng tôi buộc phải nhìn điều này một cách bất lực khi (họ) cũng làm tương tự tại khu vực Đông Âu? Tất nhiên là không. Chúng tôi đang dự định có câu trả lời đối với thách thức này”.

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý thêm rằng việc xây dựng khả năng quân sự của Moscow ở vùng Viễn Đông của Nga, đặc biệt là quần đảo Kuril ở Thái Bình Dương, không phải là "sáng kiến của Nga", mà đúng hơn là do những lo ngại về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực.

Ông Putin cũng cho rằng Mỹ đã từng biện minh cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu với cái cớ được cho là do mối đe dọa từ phía Iran, tuy nhiên Thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được vào năm 2015 đã loại bỏ lý do này.

Mỹ từng viện cớ mối đe dọa từ Iran để mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa

Thỏa thuận hạt nhân Iran hay được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran với nhóm P5 + 1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vào ngày 14/7/2015. Theo JCPOA, Iran đã cam kết hạn chế trong thực hiện chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân nhằm vào Teheran, vốn được áp đặt từ lâu, được gỡ bỏ.

Về những vấn đề quốc tế khác, Tổng thống Putin cho rằng Mỹ đang sử dụng mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên như là một cái cớ để biện minh cho việc triển khai tên lửa tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông cho biết "Đó không phải là về Triều Tiên. Nếu ngày mai Triều Tiên tuyên bố ngừng tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân và hủy bỏ chương trình tên lửa, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa với một số cái cớ mới hoặc không cần có bất kỳ lý do gì""Vấn đề này (việc xây dựng khả năng quân sự của Mỹ) là một mối quan ngại chính đối với nước Nga và chúng tôi đã không ngừng lên tiếng về điều này trong nhiều thập kỷ. Điều này phá vỡ sự cân bằng chiến lược trên thế giới. Nhưng thế giới im lặng và không ai lắng nghe chúng tôi".

Tổng thống Nga nói rằng tư tưởng bài Nga tại phương Tây có liên quan đến "sự nổi lên của một thế giới đa cực, mà các nhà độc quyền không thích". Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng tư tưởng chống Nga sẽ không kéo dài quá lâu, không phải là mãi mãi, nếu chỉ do sự hiểu biết thì điều này là phản tác dụng và làm hại tất cả mọi người".

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng “những nỗ lực để ngăn cản Nga đang không thành công. Một số quốc gia sử dụng những biện pháp chống lại Nga như hạn chế về mặt kinh tế nhằm cố ngăn cản Moscow trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia hợp pháp của Nga… Và bây giờ họ nhận ra rằng âm mưu này không thành công. Nó phản tác dụng và không có chút ảnh hưởng nào”.

Tổng thống Putin: Phương Tây đã nhiều năm can thiệp vào chính trị của Nga, đã "treo cổ nước Nga"!

Ông chủ Điện Kremlin cũng tuyên bố rằng chính phủ Nga chưa bao giờ dính dáng đến các hoạt động tấn công mạng và không can dự vào vấn đề này ở cấp độ nhà nước.

Ông Putin nói rằng “không có tên hackers (phần tử tấn công tin học) nào có thể ảnh hưởng đến các chiến dịch bầu cử ở bất kỳ quốc gia nào của châu Âu, châu Á hay châu Mỹ”.

Chính phủ Mỹ từng cáo buộc Nga đánh cắp thông tin của đảng Dân chủ để giúp cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Tuy nhiên, các quan chức Nga đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc cho rằng Moscow đã cố gắng gây ảnh hướng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Nước Mỹ rúng động với những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử

Khi trả lời phóng vấn báo giới, ông Putin cũng cho biết Nga sẵn sàng bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ và nói rằng ông đã thảo luận về vấn đề này với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Putin cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về khả năng bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này”.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã bắt đầu thảo luận về việc mua hệ thống S-400 vào tháng 11/2016. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo hồi tháng 4 rằng Ankara và Moscow đã "đồng ý về mặt nguyên tắc" đối với vấn đề này.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga có khả năng nhắm tới đồng thời 36 mục tiêu và bắn hạ máy bay trong phạm vi 400km cũng như các tên lửa đạn đạo ở tầm xa 60km.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn