Ngày 31/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh dỡ bỏ hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ được áp đặt sau vụ bắn rơi máy bay tiêm kích của Nga hồi tháng 11/2015, theo Thông tấn TASS.
Nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh gỡ bỏ một số hạn chế về việc sử dụng lao động Thổ Nhĩ Kỳ, về hoạt động của các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga, cũng như việc cấm đưa, thuê các lao động Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga làm việc.
Nga dỡ bỏ nhiều biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. |
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng đã ký quyết định khôi phục một phần thỏa thuận miễn thị thực đối với công dân hai nước, vốn bị đình chỉ từ ngày 1/1/2016 đến nay.
Cụ thể, một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được miễn thị thực, gồm các thành viên phi hành đoàn, những người mang hộ chiếu công vụ tới Nga công tác ngắn ngày, bao gồm cả nhân viên ngoại giao, nhân viên lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên gia đình họ, đóng trên lãnh thổ Nga.
Ngược lại, các công dân Nga có hộ chiếu công vụ cũng sẽ được miễn thị thực vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, một thỏa thuận hợp tác đã được Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek và người đồng cấp Nga Arkady Dvorkovich ký bên lề hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo khu vực Biển Đen ở Instabul.
Chính phủ Nga ra thông báo xác nhận tài liệu "về dỡ bỏ các hạn chế thương mại song phương" được ký dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim.
Các cấm vận của Nga đối với Ankara được đưa ra từ tháng 12/2015 và chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2016.
Nhà kinh tế học của Nga, ông Mikhail Delyagin nhận xét, Nga đã có bước đi sai về điều này. Đó cũng có nghĩa, các lệnh cấm vận nên được dừng lại ngay sau khi tung ra.
Theo đó, việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, đôi bên cùng có lợi nhưng khi Nga áp đặt các cấm vận, người Nga đang thiệt hơn là được lợi.
Nhìn vào cán cân thương mại, có thể thấy Nga sẽ thiệt hại lớn hơn Thổ Nhĩ Kỳ nếu chiến tranh thương mại thực sự nổ ra. Năm 2014, Nga xuất khẩu 25 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là khí đốt, kim loại và nông sản.
Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga không lớn, chỉ vào khoảng 7 tỷ USD. Nhưng Nga mua từ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều sản phẩm rất cần thiết đối với nền kinh tế nước này như máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng, hàng may mặc, thực phẩm…
Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây thiệt hại nặng cho cả đôi bên. Vấn đề quan trọng nhất là ở thời điểm này, sức khỏe kinh tế của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang giảm sút nghiêm trọng.
Vị chuyên gia Nga cho rằng, sau một năm suy thoái từ cấm vận của phương Tây và Mỹ vào việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, tăng trưởng kinh tế Nga khi đối mặt với những rắc rối mới từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng suy yếu. Ở thời điểm này, Nga cần thêm bạn bè, đối tác thương mại chứ không phải là kẻ thù.
Nga ăn bánh vẽ từ Trung Quốc khi cấm vận Thổ?
Trong khi đó, việc đáp trả mạnh mẽ Thổ buộc Nga ngày càng giao thương sâu với Trung Quốc. Và cho đến nay, mối quan hệ chiến lược này đã cho thấy chưa thực chất như lời hứa.
Ông Sergei Sanakoyev, Giám đốc Trung tâm phân tích các vấn đề Trung Quốc tại Moscow thì nhận định rằng quan hệ Nga – Trung đang đi vào giai đoạn liên minh chiến lược toàn diện.
Khi hướng tây có rào cản, buộc Kremlin phải chuyển trục phát triển về hướng đông để tìm cơ hội thoát ra khỏi cơn bĩ cực và hướng vào Trung Quốc – thành viên quan trọng nhất của nhóm BRICS.
Tuy nhiên, Tỷ phú Gennady Timchenko - một trong những người bạn thân nhất của Putin được giao nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh cho biết, khi lập dự án thì Trung Quốc xúc tiến rất nhanh, nhưng tiền thật từ Trung Quốc thì rất chậm.
“Trong số hàng chục các dự án hợp tác với Trung Quốc chỉ có một ít được thực hiện. Trong đó có khoản ứng trước cho Rosneft trong dự án một đường ống dẫn dầu cỡ vừa và đường ống dẫn độc quyền Transneft, vốn đầu tư 25 tỉ USD”, theo The Moscow Times.
Nga ăn bánh vẽ của Trung Quốc. |
Cũng theo tờ báo của Nga, tổng trị giá những dự án hợp tác đầu tư giữa Liên bang Nga và Trung Quốc đã lên tới 113 tỉ USD, tính đến tháng 8/2015. Song cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga và sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã làm cho các dự án hợp tác đầu tư Nga–Trung hầu hết bị đình lại.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội phát triển các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài He Chzhenvey cho biết: “Các công ty Trung Quốc sẵn sàng xây dựng đường cao tốc ở Nga, người Trung Quốc có thể thi công đường nhựa ở Nga, nhưng sau khi hoàn thành những con đường này phải đem lại lợi nhuận cho người Trung Quốc".
Trong khi dành ưu đãi cho doanh nghiệp Trung Quốc, người Nga không đặt ra điều kiện nào cả.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Học viện Khoa học Nga Andrei Ostrovski, trong khi Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài trên 880 tỉ USD, nhưng đầu tư vào Nga rất nhỏ giọt, chưa đầy 8 tỉ USD, theo số liệu của Vlast Magazine ngày 16/6/2016.
Hàng loạt các dự án thất bại với Trung Quốc cùng với thời điểm nước Nga chịu cấm vận phương Tây và cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ đã là các trái đắng mà cho tới nay, Nga buộc phải quay trở lại người bạn lâu năm ở Trung Đông.
Cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ mang lại hiệu quả cho Nga nhưng cũng lấy đi không ít cơ hội khác mà cho tới nay, Nga mới đủ tự tin để nối lại các bản thỏa thuận kinh tế mới sau khi khẳng định quan hệ được bình thường hóa hoàn toàn.
Theo Đất Việt