Nghịch lý với gia đình có trẻ em bị xâm hại

Thứ năm, 01/06/2017, 10:07
Ở các quốc gia, thủ phạm xâm hại trẻ em chấp hành xong hình phạt rất khó trở lại cuộc sống bình thường, khó trở lại nơi cư trú. Nhưng ở Việt Nam, kẻ rời đi lại không phải thủ phạm.

Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhiều ý kiến cho rằng luật cần tăng nặng hình phạt đối với những kẻ có hành vi vi phạm quyền và bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em.

Bên cạnh đó, một quy định khiến các đại biểu Quốc hội tranh luận là không xử lý hình sự người từ đủ 14 đến 16 tuổi với các tội nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Tăng nặng hình phạt tội xâm hại trẻ em

Chia sẻ với Zing.vn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội), cho rằng kẻ có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em tuổi phải bị xử lý nghiêm. Thực tế hiện nhiều thủ phạm xâm hại trẻ em vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Ông nhận định trong thời gian qua, nhiều sự việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là dâm ô trẻ em bị xử lý chậm trễ, không đủ bằng chứng, chứng cứ để khởi tố vụ án, bị can.

Thực trạng này một phần vì pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể, chi tiết hành vi xâm hại tình dục hay dâm ô trẻ em. Điều này gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra.

Ở các quốc gia khác, tội phạm này sau khi chấp hành xong hình phạt thường rất khó trở lại cuộc sống bình thường, thậm chí khó trở lại nơi cư trú. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người phải rời đi không phải là nghi phạm, thủ phạm mà chính là gia đình, nạn nhân bị xâm hại.

“Đó là điều không bình thường và cần sự can thiệp của pháp luật”, ông Nam nhấn mạnh.

Thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ở Việt Nam đáng báo động. Đồ họa: Lee Mew .

Không chỉ vậy, những quy định về giám định pháp y chưa đáp ứng nhu cầu thu thập chứng cứ xác minh các vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Theo ông Nam, gia đình nạn nhân có yêu cầu giám định phải đợi 7 ngày, sau khi cơ quan thẩm quyền trưng cầu giám định có văn bản trả lời thì yêu cầu mới được thực hiện. Như vậy, sau 7 ngày, dấu vết, chứng cứ xâm hại tình dục trẻ em có thể không còn.

Bên cạnh đó, có những vụ dâm ô trẻ em không gây vết thương về mặt thực thể mà gây tổn thương nặng nề về tinh thần. Nếu không có cơ sở đầy đủ về giám định tâm thần thì không thể nào phát hiện, đánh giá cho công tác điều tra, tư pháp và khắc phục hậu quả cho các em.

“Những vụ xâm hại tình dục trẻ em là những vụ cực kỳ khó hồi phục vì những di chứng, tổn thương để lại cho các em sẽ theo suốt cả cuộc đời. Chúng ta cần những quy định đồng bộ, đặc thù cho trẻ em về pháp luật. Nếu không, sẽ rất khó bảo vệ các em”, ông Nam bày tỏ.

Luôn giảm nhẹ hình phạt cho trẻ em

Bên cạnh ý kiến tăng nặng hình phạt với hành vi xâm hại trẻ em, ông Nam cho rằng Bộ luật Hình sự cần quy định cụ thể tội danh, hình phạt tương ứng với từng độ tuổi trẻ em.

Hiện, Bộ luật 2015 quy định người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Tuy nhiên, theo thống kê do Viện KSND tối cao đưa ra, các năm 2014 - 2016 chỉ có 122 em bị truy tố tội cố ý gây thương tích. Chia trung bình mỗi năm mỗi địa phương chỉ có một em gây thương tích phải xử lý hình sự. 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm, 2 em bị truy tố tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Thực tế cho thấy phạt tù hay giam giữ tập trung đối với người chưa thành niên và trẻ em không phải là biện pháp tốt nhất. Bởi sau khi chấp hành hình phạt, số lượng trẻ em và người chưa thành niên tái phạm còn rất lớn”, ông Nam chia sẻ.

Theo Báo cáo điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (báo cáo MICS) năm 2014, 68% trẻ em dưới 15 tuổi đã phải chịu hình thức kỷ luật thể chất nào đó trong gia đình . Đồ họa: Hoàng Như.

Ông Nam ủng hộ việc xây dựng các bộ luật và luật, đặc biệt là Luật Hình sự và công tác xử lý vi phạm hành chính để làm sao tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội phấn đấu, rèn luyện để khắc phục khuyết điểm, sai lầm - cho dù đó là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6 có quan điểm xuyên suốt trong việc áp dụng tư pháp đối với người chưa thành niên và trẻ em là luôn giảm nhẹ hình phạt cho các đối tượng này khi có hành vi vi phạm pháp luật.

Song song với việc luôn giảm nhẹ hình phạt cho người chưa thành niên và trẻ em vi phạm pháp luật, ông Nam đề nghị cơ quan chức năng nên áp dụng biện pháp giáo dục là chủ yếu. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các em tiếp tục phát triển hài hòa trong quãng đời sau này.

Theo ông, trong Luật trẻ em, có một mục riêng trong chương Bảo vệ trẻ em quy định về các biện pháp bảo vệ trẻ em trong tố tụng, xử lý vi phạm hành chính và tạo điều kiện cho trẻ tái hòa nhập gia đình và cộng đồng. Những quy định này nhằm tạo ra một hệ thống tư pháp thân thiện với các công dân nhỏ tuổi.

Theo Zing

Các tin cũ hơn