Vi phạm sẽ xử lý
Ngày 29/5, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản về việc kiểm tra, xử lý việc xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ du lịch trái phép trên vịnh Bái Tử Long.
UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch TP.Cẩm Phả, chủ tịch UBND huyện Vân Đồn phối hợp các ngành liên quan, khẩn trương xác minh thông tin báo chí phản ánh; xác định cụ thể các địa điểm, khu vực có vi phạm quy hoạch, vi phạm trong việc sử dụng đất đai, xây dựng trái phép và có biện pháp xử lý theo luật định.
Các địa phương này được yêu cầu phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và thông tin cho báo chí trước ngày 20/6.
Theo phản ánh, tại đảo Nêm rộng 4 ha có nhiều công trình được xây dựng hoành tráng như: hồ bơi, khuôn viên cây xanh, biệt thự nghỉ dưỡng hơn 30 phòng và gắn biển “resort 3 sao”. Tại đây còn có ngôi nhà biệt thự bằng gỗ, 4 căn nhà liền kề 2 bãi tắm, nhà tắm tráng, bến tàu, nhà hàng. Trên đảo có một đàn chó dữ và nhiều bảo vệ nên người lạ khó tiếp cận.
Một góc đảo Bánh Sữa đã trở thành resort. Ảnh BQL vịnh Hạ Long |
Một đảo khác cũng có hiện tượng vi phạm là đảo Bánh Sữa, rộng khoảng 6ha và cũng không có dân cư sinh sống. Trên đảo có khoảng 20 phòng nghỉ đánh số thứ tự như một khu du lịch.
Trước thông tin trên, trao đổi với PV, ngày 30/5, ông Châu Thành Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn cho biết: "Chúng tôi cũng đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, đang làm báo cáo, vì cũng tùy từng trường hợp mà có cách xử lý khác nhau.
Các công trình xây dựng hiện nay trên vịnh Bái Tử Long được làm từ năm 2008, tồn tại 9 năm nay, từ thời điểm đó đến nay không có công trình nào được xây dựng thêm.
Các công trình được xây dựng để phục vụ nhà ở cho chuyên gia, công nhân, cán bộ công ty nuôi trồng giống thủy sản, từ thời điểm giao đất".
Bên cạnh đó, theo ông Hưng, nếu xét theo quy hoạch chung thì có quy định các khu ven rừng cây bụi vẫn cho phép xây dựng công trình, nhưng các công trình này xây trước khi có quy hoạch chung, vì quy hoạch chung năm 2009 mới có.
Cũng có một số trường hợp phát sinh xây dựng trái phép, cố tình vi phạm thì huyện đã xử lý bằng cách xử phạt hành chính, đến nay chưa xử lý xong, sắp tới huyện đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để tiến hành cưỡng chế tháo dỡ.
Riêng về thông tin nuôi đàn chó dữ trên đảo, theo ông Hưng, chó thì người dân vẫn nuôi nhưng vừa rồi bản thân ông có đi kiểm tra xử lý nhưng không thấy có đàn chó dữ, cản trở người lên đảo.
"Vừa qua bản thân tôi đã đi kiểm tra lập biên bản xử lý một số trường hợp vi phạm, đúng là không có con nào cắn.
Một số công trình được cho là xây dựng trái phép trên đảo Bánh Sữa. |
Trên cơ sở phản ánh của báo chí, chúng tôi có cho một đoàn kiểm tra hoạt động dịch vụ du lịch xem có vi phạm nào tái diễn, còn hoạt động xây dựng thì không có.
Ví dụ cải tạo, sửa chữa lại nhà ở của chuyên gia, công nhân... cũng chưa xác minh được thông tin là họ làm thành công trình ra sao, phải cho đoàn xác minh, có kết quả mới xử lý được.
Địa phương vẫn trên tinh thần xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, nếu phát hiện vi phạm quy hoạch, xây dựng trái phép vẫn sẽ xử lý theo quy định", ông Hưng khẳng định.
Ít khách du lịch
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, vị Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, khẳng định, các công trình hiện nay không phải là resort, biệt thự nghỉ dưỡng mà toàn nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, phục vụ cho sản xuất con giống nuôi trồng thủy sản.
Gần đây có phát sinh 2-3 công trình mới thì huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý cưỡng chế.
"Hiện nay các tour du lịch ra vịnh Bái Tử Long thì du khách vẫn được nghỉ trên các xã đảo bằng các nhà nghỉ, khách sạn của dân. Vịnh Bái Tử Long là một quần thể bao gồm nhiều xã đảo, trên xã cũng có chính quyền, dân cư, có nhà nghỉ, khách sạn được đăng ký kinh doanh, được phép xây dựng nhà ở.
Có một số trường hợp xây dựng trái phép thì đã bị xử lý không cho tồn tại, chúng tôi hiện làm rất nghiêm", ông Hưng nói rõ.
Trong khi đó, PV liên hệ với một số công ty chuyên tổ chức tour đi vịnh Hạ Long, cụ thể đi tour vịnh Bái Tử Long thì được biết, nếu muốn đi ra vịnh phải cần đoàn gần 50 người, vì tàu thuê đi ra vịnh là tàu 48 người, giá 4 triệu đồng.
Đặc biệt, rất ít khách đi tour này, chủ yếu thi thoảng có vài khách Tây đi, vì ra đó cũng chỉ ngắm cảnh, tham quan không có khách sạn, ngủ trên tàu hoặc quay về đảo Titop ngủ.
Theo Đất Việt