Crimea về Nga 3 năm, hợp đồng thuê cảng hết hạn
Ukraine vẫn đang mơ đến ngày Hạm đội Biển Đen của Nga rút khỏi bán đảo Crimea trong tương lai gần, bất kể thực tế là hạm đội đã cùng với bán đảo này “rời khỏi” Ukraine từ hơn ba năm về trước, trở về với “đất mẹ” Nga.
Khi thời hạn cho thuê địa điểm đồn trú của Hạm đội Biển Đen Nga sắp hết, chính quyền Kiev thậm chí còn lập trang web chuyên dụng về vấn đề “đuổi” Hạm đội Biển Đen khỏi quân cảng Sevastopol, đòi lại Crimea với một chiếc đồng hồ đếm ngược.
Bây giờ chiếc đồng hồ kỳ dị này đang chỉ mốc 0 ngày khi Kiev cho rằng đã đến hạn hạm đội Nga rút đi, sau khi thỏa thuận cũ về việc triển khai của Hạm đội Biển Đen đã ký đến hết ngày 28 tháng 5 năm 2017. Tuy nhiên, với việc Crimea trở lại Nga, văn kiện này nghiễm nhiên mất hiệu lực.
3 năm trước đây, Crimea đã trở thành một khu vực của Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng 3 năm 2014, với 96,77% cử tri của Cộng hòa Crimea và 95,6% cư dân đặc khu Sevastopol ủng hộ việc sáp nhập bán đảo này vào thành phần Liên bang Nga.
Cho đến nay Kiev vẫn coi Crimea là “lãnh thổ không thể chia cắt của Ukraine”, bán đảo này là địa bàn bị Moscow “chiếm đoạt trái phép”. Ngoài việc ngăn chặn, phong tỏa bán đảo, Kiev còn chuẩn bị nộp đơn kiện Moscow ra trước Tòa án Trọng tài thường trực.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nga luôn khẳng định rằng, việc các cư dân Crimea bỏ phiếu tách ra khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga là là những bước thể hiện sự dân chủ, hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Như nhận định của Tổng thống Vladimir Putin, Crimea đã là một phần lãnh thổ hoàn toàn hợp pháp của Nga; vấn đề Ukraine đòi trả lại Crimea "đã đóng lại vĩnh viễn".
Nga đã phá âm mưu của Mỹ, thúc đẩy Maidan để hất cẳng Hạm đội Biển Đen khỏi Crimea |
Crimea: Điểm mạnh và cũng là điểm yếu của Nga
Hiệp định đồn trú của Hạm đội Biển Đen-Nga ở Crimea được gia hạn lần gần đây nhất là vào ngày 21/4/2010. Tổng thống Nga khi đó là Dimitry Medvedev và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã ký Hiệp định này tại Kharkov.
Theo thỏa thuận này, Nga có quyền triển khai cho Hạm đội Biển Đen tới 25.000 quân trên bán đảo Crimea, nhưng trong đó chỉ có 1.987 quân nhân là lính thủy đánh bộ hoặc thuộc các lực lượng tác chiến mặt đất. Ngoài ra, họ chỉ ở trong các căn cứ quân sự Nga, chứ không được xuất hiện ở ngoài khu doanh trại.
Hơn nữa, kể từ ngày 13/8/2013, theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine, phía Nga có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ cho Ukraine trong vòng 72 giờ về việc triển khai các đơn vị quân sự và số lượng, chủng loại vũ khí mang theo đến Crimea.
Do những hạn chế khắt khe đó nên suốt từ khi Liên Xô sụp đổ đến năm 2014, Nga không thể đầu tư nâng cấp vũ khí trang bị và tăng cường biên chế cho Hạm đội Biển Đen, khiến Hạm đội này trở nên khá yếu so với các Hạm đội phương Bắc và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, do vị thế địa-chính trị vô cùng quan trọng của bán đảo Crimea trên Biển Đen, là lá chắn từ xa ngăn vòng vây của NATO ở vùng biển phía Tây cho lãnh thổ nước Nga, nên Moscow bằng mọi giá vẫn phải duy trì sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen ở Crimea.
Hợp định đồn trú của Hạm đội Biển Đen sẽ kết thúc vào ngày 28/5/2017, việc phải ký hợp đồng thuê mướn theo kiểu “thị trường” là điều mà Nga không hề mong muốn, bởi bất cứ biến cố chính trị nào cũng sẽ đe dọa tương lai của Hạm đội này.
Hơn nữa, việc phải phụ thuộc vào hợp đồng cho thuê khiến Moscow luôn phải nhượng bộ trước những đòi hỏi của Kiev cả về chính trị lẫn kinh tế, ví dụ như đòi hỏi viện trợ hàng chục tỷ USD để ngừng ký Hiệp định liên kết với EU hay giảm giá khí đốt vô tội vạ.
Những điều này là nguyên nhân sâu xa khiến Nga ấp ủ ý định đưa bán đảo Crimea trở về lãnh thổ Nga, một khi có điều kiện thuận lợi. Và điều kiện này đã đến vào tháng 2/2014, với cuộc chính biến Maidan trên Quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev.
Nga quyết đoán đưa Crimea trở về “đất mẹ”
…Từ cuối năm 2013, tình hình chính trị ở Ukraine đột nhiên trở nên căng thẳng với hàng loạt cuộc biểu tình cực lớn do các phe nhóm đối lập được sự hậu thuẫn của phương Tây đòi lật đổ chính quyền thân Nga của ông Viktor Yanukovych, lập chính quyền mới thân Mỹ.
TÌnh hình trở nên vô cùng căng thẳng vào đầu tháng 2/2014, khi các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn với hàng loạt vụ “bắn tỉa” bí ẩn, khiến hơn 100 người chết và hàng ngàn người bị thương, chính quyền thân Nga không còn kiểm soát được tình hình, ông Yanukovych buộc phải bỏ chạy sang Nga.
Cơ quan tình báo Nga còn nhận được nguồn tin là Mỹ muốn hất cẳng Nga ra khỏi bán đảo Crimea nên đã điều cụm tàu sân bay gồm mười mấy tàu vào Biển Đen; khi chính quyền thân Mỹ được dựng lên, Crimea sẽ bị phong tỏa; hạm đội Mỹ sẽ vào tiếp quản Sevastopol, đuổi Hạm đội Biển Đen trở về Nga.
…buổi tối ngày 26/02, ngay sau khi chính phủ tạm quyền thân phương Tây do ông Arseny Yatsenyuk làm Thủ tướng ra mắt tại Quảng trường Maidan, ông Putin nhận thấy, cục diện ở Ukraine không thể cứu vãn được và ra quyết định thu hồi Crimea.
Ông Putin hiểu rằng, nếu một chính phủ thân phương Tây lên cầm quyền ở Kiev, Hạm đội biển Đen sẽ ngay lập tức bị đẩy ra khỏi quân cảng Sevastopol, những cơ sở quân sự cũ của Nga trên bán đảo Crimea sẽ trở thành những tiền đồn chống Nga, ở ngay sát nách nước Nga.
Cuộc chính biến trên Quảng trường Độc Lập đã tạo cơ hội cho Nga giành lại Crimea |
Tình hình diễn biến cực xấu, nếu không hành động ngay, chính quyền mới thân phương Tây sẽ ngay lập tức áp đặt tình trạng khẩn cấp, ra lệnh giới nghiêm và điều động quân đội tuần tiễu, lực lượng Mỹ tiến vào thì biển Đen và thậm chí là biển Azov cũng trở thành cái “ao nhà” của Mỹ và NATO.
Ngay lập tức 150.000 quân Nga ở các quân khu giáp biên giới Ukraine và Baltic được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đồng thời, đến ngày 27/2, chiến dịch “Mùa xuân Crimea” chính thức bắt đầu với hành động phong tỏa tòa nhà chính quyền ở thủ phủ Simferopol, nhằm ngăn chặn Kiev ra lệnh ban bố tình trạng thiết quân luật.
Mãi đến ngày 1-3-2014, ông Putin mới hợp pháp hóa việc triển khai quân trên bán đảo Crimea với đề nghị Thượng viện (Hội đồng Liên bang Nga) chấp thuận “cho phép sử dụng lực lượng vũ trang của Nga trên đất Ukraine cho đến khi tình hình chính trị tại đất nước này bình thường trở lại”.
Sau đó, chính quyền thân Nga ở Crimea được dựng lên để tuyên bố rời khỏi Ukraine, cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga được nhanh chóng tổ chức vào ngày 16-3 và đại đa số dân chúng trên bán đảo đã quyết định sáp nhập vào lãnh thổ nước Nga.
Bởi vậy, dù Điện Kremlin có tuyên truyền là bán đảo này trở về với Nga là do nguyện vọng của nhân dân nhưng Moscow cũng đã chuẩn bị trước; chớp cơ hội thuận lợi, đồng thời tích cực thúc đẩy, bảo vệ nó diễn ra một cách nhanh chóng và suôn sẻ. Điều này đã kể lại khá rõ trong bộ phim tài liệu “Đường về đất mẹ”.
Theo Đất Việt