Kết quả điều tra được Phủ Tổng thống Hàn Quốc công bố vào sáng 31/5 cho biết, Bộ Quốc phòng nước này đã "bỏ sót" thông tin về việc một số bệ phóng của hệ thống phòng thủ THAAD được đưa thêm vào Hàn Quốc.
Thông tin này được Phát ngôn viên Yoon Young-chan của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, kết luận này được đưa ra sau cuộc điều tra nhắm vào một số quan chức của bộ trên, trong đó có cả Thứ trưởng phụ trách vấn đề chính sách, bị điều tra.
Ông Yoon cũng cho biết kết quả điều tra cho thấy "các cụm từ" trong dự thảo báo cáo (do các sĩ quan phụ trách soạn thảo) đã bị xóa nhiều lần. Cuộc điều tra được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Moon Jea-in ngày 30/5 sau khi có thông tin về việc 4 bệ phóng tên lửa của THAAD triển khai chui tại Hàn Quốc.
Hệ thống THAAD triển khai tại Hàn Quốc. |
Đây là 4 bệ phóng được đưa thêm vào sau khi 2 bệ phóng trước đó đã được phép triển khai tại Hàn Quốc trước thời điểm ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống. Được biết, kể từ khi đang vận động tranh cử Tổng thống Hàn Quốc đến nay, ông Moon Jae-in đã tỏ thái độ không đồng tình với việc triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Bởi theo nhận định của một số chuyên gia, đa phần người dân nước này có những lý do chính đáng để phản đối sự có mặt của THAAD. Cụ thể, việc lắp đặt THAAD đã khiến Hàn Quốc phải gánh chịu thiệt hại quá lớn khi Trung Quốc có hành động trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể kinh tế Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc với gần 30% hàng xuất khẩu vào thị trường này, lợi ích kinh tế từ Trung Quốc chiếm tới gấn 15% GDP của Hàn Quốc, theo Oxford Economics. Do vậy, khi Bắc Kinh tạo ra những bất lợi, khiến kinh tế Hàn Quốc phải trả giá rất đắt cho quyết định của Seoul về THAAD.
Trong khi thiệt hại thì chỉ mình Hàn Quốc gánh chịu, kinh tế Mỹ không bị ảnh hưởng trong trường hợp này, vậy mà chính quyền Trump còn đòi thưởng thảo lại FTA Mỹ - Hàn, điều đó cho thấy chỉ vì THAAD mà Seoul mất cả chì lẫn chài.
Không những vậy, theo giới phân tích, không loại trừ khả năng chỉ vì THAAD làm gia tăng xung đột tại vùng Đông Bắc Á mà Washington bắt tay với Bắc Kinh, đưa Seoul vào vòng xoáy của ngoại giao nước lớn với nhiều hệ luỵ và phụ thuộc.
Phải chăng chọn không có THAAD sẽ giúp Hàn Quốc độc lập hơn, chủ động hơn trong ứng xử và hành xử của mình – không chịu ơn Washington nên giảm phụ thuộc vào Mỹ, không gây bất bình cho Bắc Kinh nên tránh được trả đũa của Trung Quốc?
Seoul muốn cùng Bình Nhưỡng giải quyết bất ổn trên bán đảo Triều Tiên mà THAAD là một rào cản. Bình Nhưỡng lên án Washington và Seoul về THAAD và không loại trừ Kim Jong-un sẽ chĩa hướng tên lửa về Nam Hàn để thử công hiệu của THAAD.
Thực tế đó cho thấy, việc THAAD hiện diện tại xứ Nam Hàn cũng đã trở thành cơ hôi cho Bình Nhưỡng và Washington dồn ép Seoul theo những toan tính riêng của họ. Như vậy, cơ hội kết nối trực tiếp với Bình Nhưỡng giảm đi chỉ vì THAAD và nếu có kết nối được thì vấn đề THAAD cũng sẽ được Bình Nhưỡng nêu ra như một điều kiện tiên quyết buộc Seoul phải có những nhượng bộ.
Khi Seoul nhượng bộ Bình Nhưỡng thì gặp ngay trở ngại từ Washington, bởi người Mỹ bỏ tiền và chịu trách nhiệm vận hành THAAD nhằm bảo vệ cho Hàn Quốc. Nghĩa là Seoul gần như không thể làm gì, dù THAAD nằm trên đất Hàn Quốc.
Có thế thấy rằng, việc lắp đặt THAAD gần như đã hoàn tất, việc tháo dỡ và trả về cho Mỹ là không hề dễ dàng và hậu quả cũng sẽ không nhỏ, ngoại trừ Quốc hội Hàn Quốc có quyết định phản đối việc này.
Điều đó chứng tỏ Seoul đang ở thế tiến thoái lưỡng nan với THAAD và qua đây đã cho thấy di sản mà chính quyền cựu Tổng thống Park Geun-hee để lại cho người kế nhiệm có rất nhiều trái đắng, trong đó có cả trái đắng từ đồng minh chiến lược của mình.
Theo Đất Việt