Từ biệt phủ biến thành khu nghỉ dưỡng
Cách bến cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) chừng 35km, đảo Bánh Sữa nằm giữa vịnh Bái Tử Long được ngư dân ở đây gọi với một cái tên khác là đảo Ông Tờ, vì chủ của hòn đảo này là của một đại gia người Quảng Yên, ông Đỗ Tờ. Từ trước những năm 2008, ông Tờ đã ra đây “khai khẩu”. Với danh nghĩa là Công ty nuôi trồng thủy sản, ông Tờ đã xây dựng các công trình trên đảo phục vụ cho việc kinh doanh như một biệt phủ.
Để tìm cách ra được hòn đảo đắc địa này, chúng tôi phải vận dụng hết các mối quan hệ quen biết mới có thể thuê được tàu ra đảo. Ngay sau khi có phản ánh của báo chí về những resort không phép trên vịnh Bái Tử Long, khi nhắc đến những địa danh như đảo Ông Tờ, đảo Nêm, đảo Thẻ Vàng... dường như là những “từ khóa” nhạy cảm và không ai muốn chở khách đến những đảo này nữa.
Con đường bao quanh đảo thơ mộng như ở Hawaii. |
Trên chiếc tàu cao tốc xuất phát từ bến cảng Cái Rồng, chỉ sau gần 1 tiếng đồng hồ chúng tôi ra được đảo Ông Tờ (đảo Bánh Sữa). Hòn đảo hiện ra trước mắt là một nơi hoang sơ, cây cối um tùm và có hình dạng giống một cái bánh. Đảo rộng chừng 4ha, phía Nam của đảo là khu nuôi trồng thủy sản rộng chừng 2ha mặt nước, phía Tây Nam là cả một quần thể các công trình được xây dựng kiên cố cùng những bãi cát dài chạy bao quanh.
Chiếc tàu cao tốc cập vào chiếc cầu được làm từ các tấm ván gỗ ghép lại với nhau, xếp thành hàng dài trên những chiếc phao. Đóng vai là những du khách từ Hà Nội xuống muốn thuê phòng nghỉ lại, chúng tôi được một người tự giới thiệu là nhân viên của trại giống trả lời: – “chủ đảo đang đi vắng, các anh muốn thuê phòng thì phải gọi điện đặt trước”.
Theo số điện thoại anh này cung cấp, chúng tôi gọi cho một người có tên là Trung có nhã ý muốn đặt phòng nghỉ qua đêm tại đảo. Bên kia đầu dây có vẻ thận trọng và khẳng định không có dịch vụ nghỉ dưỡng, nếu muốn thì phải đợi anh về rồi cùng nhau bàn bạc. Đi quanh đảo 1 vòng, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước cách xây dựng bài trí rất bài bản của ông chủ đảo này.
Nằm tách biệt phía cuối đảo là một công trình mới được xây dựng có tên “nhà Sao Biển” được nối bởi 1 chiếc cầu bê tông kiên cố. Tất cả bốn phía đều là “view” hướng biển. Xung quanh đảo đều được lát gạch đỏ và đá thành những con đường nhỏ chạy dưới tán cây nhìn rất thơ mộng. Cách một đoạn lại có một chiếc võng được buộc vào góc cây nằm ngay cạnh biển.
Dưới những tán cây um tùm là khu nhà chính bao gồm quần thể của 4 công trình có thiết kế 2 tầng và được đặt tên lần lượt là “Tu Hài”, “Hải Sâm”, “Sứa”. Khu này có khoảng 20 phòng nghỉ và được đánh dấu theo thứ tự như khách sạn. Chính giữa khu nhà chính có một tấm bảng to ghi rõ “UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH Đỗ Tờ, Đảo Bánh Sữa”.
Phía dưới khu nhà “Hải Sâm” được đặt 3 bộ bàn ghế gỗ và trên bàn bày biện sẵn nhiều thức uống dành cho thực khách. Bên cạnh lối đi, một tấm bảng được làm bằng kính có ghi rõ các dịch vụ có trên đảo như “chèo thuyền Kayak, dịch vụ ngâm chân, có tour trọn gói 3 ngày, 2 đêm đi từ cảng Cái Rồng và có xe đưa đón từ Hà Nội”. Vì ở trên đảo cách xa đất liền nên toàn bộ sinh hoạt đều được sử dụng bằng máy phát điện công suất lớn.
“Tôi là nhân viên của trại giống nên không biết gì đâu, các anh muốn tìm hiểu gì thì cứ đợi người quản lý về rồi trao đổi. Chìa khóa của các phòng ở đây quản lý cũng mang đi rồi” – Người tự xưng là nhân viên trại giống liên tục từ chối các câu hỏi từ phía chúng tôi. Từ phía bếp xuất hiện một người phụ nữ đi lên và bảo: “Các chú muốn thuê phòng loại nào, ở mấy hôm và muốn ăn gì?”. Vừa dứt lời người này đã bị anh nhân viên kia quát lớn: “Không biết gì cứ nói lung tung”.
Đợi chừng 1 tiếng đồng hồ không thấy người quản lý đến nên chúng tôi quyết định rời đảo. “Chắc họ đã biết các anh là nhà báo nên từ chối đấy, chứ bình thường tôi vẫn hay chở khách ra đây suốt. Khách Tây có, khách ta cũng nhiều, giá phòng ở đây vào khoảng 1,2-1,5 triệu/ đêm tùy theo loại phòng” – Anh Đ. Đ. H, người chấp nhận chở chúng tôi ra đảo cho biết.
Không chỉ kinh doanh du lịch tự phát, Công ty Đỗ Tờ còn quảng bá du lịch đảo Bánh Sữa trên mạng xã hội và trên các trang web với những lời chào mời chuyên nghiệp đến từ một số công ty lữ hành có trụ sở tại Hà Nội. Được biết, hoạt động kinh doanh du lịch tại đảo Bánh Sữa được triển khai từ vài năm trước và chưa một lần bị cơ quan chức năng xử lý.
“Vương quốc ăn chơi”
Cách thành phố Cẩm Phả chừng 30 phút di chuyển bằng tàu cao tốc, đảo Nêm nằm ngay giữa ranh giới vịnh Bái Tử Long và di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hòn đảo này trước đây thuộc quyền sử dụng của Công ty than Cao Sơn nhưng do sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, đến năm 2011, đảo Nêm đã được cấp lại cho Công ty Hoàng Trường thực hiện dự án trồng rừng trên đảo.
Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi đặt chân lên đảo. Dường như đây không phải cơ ngơi của một công ty chuyên trồng rừng mà giống một resort hạng sang. Hòn đảo nằm tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài cùng những tiện nghi được trang bị không thể hoàn hảo hơn. Các công trình trên đảo được đầu tư bài bản và có công năng sử dụng như một resort.
Tượng đài hoành tráng được ghép bằng đá nằm ở lưng chừng núi |
Từ cầu cảng nhìn vào, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một tượng đài khá lớn được ghép bằng đá nằm ở lưng chừng núi ghi rõ tên công ty, tên đảo và ký hiệu 3 ngôi sao phía dưới. Phía trên có 3 ngọn cờ bay phất phới, 2 lá cờ Tổ quốc cùng lá cờ mang biểu tượng của công ty. Dưới chân tượng đài là hồ nước phong thủy cùng những hòn non bộ được sắp xếp rất công phu.
Bao quanh đảo là đường tản bộ được lát gạch đỏ. Phía dưới là kè bê tông kiên cố. Ngay dưới chân núi phía cầu tàu là một con đường hướng biển được thiết kế bằng gỗ uốn lượn trên bãi cái dài nằm ngay cạnh bờ biển. Quang cảnh ở đây giống như những hòn đảo thơ mộng ở Hawaii mà ta thường thấy trên sách báo.
Đi sâu hơn vào phía khu trung tâm chính, hai bên đường là những tiểu cảnh được xây dựng, trang trí rất tinh tế. Đặc biệt, tại khu trung tâm còn có một hồ bời nước ngọt nằm dưới những tán cây xanh rì, bên cạnh đó còn có một dãy bàn bày biện đủ loại hoa quả, phía cuối sân là 1 bàn Bida cho khách giải trí.
Càng vào trong, chúng tôi càng choáng ngợp bởi giữa một hòn đảo cách xa đất liền hàng chục cây số nhưng cơ ngơi này ít người trên đất liền có được. Một ngôi nhà 2 tầng rộng thênh thang được cất lên hoàn toàn bằng gỗ nằm bên cạnh một quần thể công trình được thiết kế dạng villa. Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất nằm ở sát mái của ngôi nhà cũng được ốp bằng gỗ. Cách đấy không xa là một bàn ăn được làm bằng gỗ nguyên khối, dày khoảng 40cm, rộng khoảng 1m và dài gần 5m.
Ngôi nhà gỗ rộng thênh thang trên đảo Nêm |
Đi vòng ra phía sau là một vườn rau đủ các loại, phía trên được che bằng các tấm lợp. Nằm ngay cạnh vườn rau là chuồng gà 2 tầng làm bằng sắt, trên cửa treo biển tên của các loại gà như gà Hàn Quốc, gà Ba Lan, gà Nhật Bản, gà Ai Cập, gà Đông Tảo, gà Vua... “Đảo này được gọi là đảo ăn chơi, nhiều đại gia thường đến đây vào cuối tuần để xả hơi vì ở đây không chỉ đẹp mà còn đủ đầy mọi thứ” – Người lái tàu cao tốc cho biết.
Trong sân chính là những bộ bàn ghế “cổ quái” được làm từ những bộ rễ cây cổ thụ. Đứng cạnh là tượng gỗ Phật Di Lặc to hơn người thường, hai tay nâng cao đỉnh vàng. Ngay cạnh bãi đất gần đấy vô số các bình rượu lớn nhỏ được chôn bán địa, phía trên phủ một lớp vải điều đỏ và ghi rõ tên các loại rượu.
“Đảo này trước kia hoang vu lắm, từ ngày công ty này về đây đầu tư thì nhộn nhịp lên hẳn. Tàu thuyền ra vào tấp nập, khách khứa cũng theo đó mà đến nghỉ lại. Họ còn tổ chức các cuộc gặp mặt với quy mô lên cả trăm người. Lúc đầu cứ nghĩ là bạn bè, mối quan hệ làm ăn của công ty, nhưng đến gần đây mới biết công ty này còn kinh doanh cả du lịch nghỉ dưỡng” – Một ngư dân thường xuyên ra vào khu vực đảo Nêm cho biết.
Ngay khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, ngày 29/5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo khẩn hai địa phương là TP.Cẩm Phả và huyện Vân Đồn xác minh, xử lý tình trạng xây dựng và kinh doanh trái phép trên vịnh Bái Tử Long trong thời gian sớm nhất.
Trao đổi với PV, ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết – “Đảo Bánh Sữa và đảo Nêm được huyện cấp cho diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản và trồng rừng, các công trình, hạng mục xây dựng trên đảo trước đây đều phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh. Nhưng doanh nghiệp đã tự ý thay đổi, sửa chữa để khai thác dịch vụ du lịch”. |
Theo Tiền Phong