|
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm qua, 2/6. Ảnh: AP |
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm qua, 2/6, Tổng thống Nga Putin kêu gọi thế giới bình tĩnh trước quyết định rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Đừng lo lắng, hãy cứ vui vẻ”, ông Putin nói bằng tiếng Anh. “Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu chưa chính thức triển khai. Nó sẽ bắt đầu triển khai vào năm 2021. Vì vậy, chúng ta vẫn còn thời gian. Nếu tất cả chúng ta đều làm việc trên tinh thần xây dựng thì có thể chúng ta sẽ thỏa thuận được điều gì đó”.
“Mỹ đã thông qua Thỏa thuận Paris, theo như tôi nhớ. Nhưng Nga thì chưa. Chúng tôi vẫn chưa thông qua hiệp định này vì muốn chờ đợi đến khi các quy tắc phân bổ nguồn lực và các vấn đề khác được làm rõ”, ông Putin nói.
Theo ông Putin, cộng đồng quốc tế không nên phán xét Tổng thống Trump vì người quyết định thông qua hiệp định là cựu Tổng thống Obama. “Có lẽ ông Trump nghĩ rằng thỏa thuận này chưa hợp lý, có lẽ ông nghĩ rằng Mỹ không đủ nguồn lực”.
Tổng thống Nga thậm chí còn đùa rằng: “Nhân tiện, chúng ta nên biết ơn Tổng thống Trump. Ở Moscow trời đang mưa và thậm chí, họ nói rằng có cả tuyết. Giờ thì chúng tôi có thể đổ lỗi cho Mỹ tất cả những sự thay đổi về khí hậu, rằng đó là lỗi của họ. Nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ không làm như vậy.”
Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Trump ngày 1/6 tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn mình.
Trong khi bày tỏ quan điệm thế giới nên “rộng lượng” với Trump, Nga cũng tái khẳng định cam kết của mình đối với Thỏa thuận Paris.
“Tổng thống Putin đã ký hiệp ước này khi ông ở Paris. Nga coi trọng nó”, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói. Theo ông Peskov, khoảng tháng 1/2019, Nga mới đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hay không thông qua Thỏa thuận Paris.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) hồi tháng 12/2015. 195 quốc gia ký kết tham gia hiệp định đã nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Theo Tiền Phong