|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chụp ảnh với quan chức quốc phòng các nước ASEAN tại Đối thoại Shangri-La ngày 4/6 (Ảnh: AFP) |
Defensenews đưa tin, trong các bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Australia đã ủng hộ tuyên bố của người đồng cấp Mỹ James Mattis rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trong các khu vực được phép theo luật pháp quốc tế.
Được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) tổ chức, Đối thoại Shangri-La quy tụ các quan chức quốc phòng và các chuyên gia an ninh hàng đầu từ châu Á và khắp thế giới nhằm thảo luận các vấn đề khu vực và cũng là hội nghị an ninh thường niên lớn nhất tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bài phát biểu hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói quân đội Mỹ “sẽ tiếp tục bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và chứng tỏ điều này thông qua sự hiện diện hoạt động ở Biển Đông và hơn thế nữa”. Ông Mattis nói thêm rằng “các hoạt động của chúng tôi trên khắp khu vực là một minh chứng cho quyết tâm bảo vệ các lợi ích và tự do được quy định theo luật pháp quốc tế”.
Ủng hộ tuyên bố đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tái khẳng định sự ủng hộ của bà đối với các hoạt động tuần tra tự do hàng hải do Hải quân Mỹ thực hiện ở Biển Đông, nói rằng chúng “đại diện cho quyết tâm của Mỹ nhằm duy trì trật tự hàng hải quốc tế mở, tự do và hòa bình”.
Phát biểu ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho hay Australia “cũng sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ quyền của các nước khác nhằm thực thi các quyền đó”. Bà Payne nói thêm, các tàu và máy bay của quân đội Mỹ sẽ tiếp tục “hoạt động ở Biển Đông, như chúng tôi đã làm trong nhiều thập niên qua, phù hợp với quyền tự do hàng hải và hàng không”.
Theo Chiến dịch tuần tra Biển Đông mang tên "Operation Gateway", Hải quân Hoàng gia Australia đã triển khai một máy bay AP-3C Orion tới Butterworth, Malaysia từ 4-8 lần một năm.
Theo Bộ Quốc phòng Australia, các chuyến bay trên là đóng góp của nước này đối với việc duy trì an ninh khu vực và sự ổn định tại Đông Nam Á, trong đó có các cuộc tuần tra ở phía bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Không chỉ có các Bộ trưởng Quốc phòng trên nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục các cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông. Tiến sĩ William Choong, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng phát biểu với truyền thông rằng Mỹ “cần thực thi tự do trên các vùng biển”. Ông Choong lưu ý về sự gián đoạn kéo dài 7 tháng về các cuộc tuần tra hàng hải của Mỹ cho tới khi tàu khu trục USS Dewey áp sát đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa hôm 24/5, cuộc tuần tra đầu tiên như vậy dưới thời chính quyền Trump.
Trung Quốc khó chịu vì bình luận của Mỹ, Nhật
Thời báo Hoa nam Buổi sáng cho hay, sau các phát biểu của giới chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản tại Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ khó chịu.
Trong một tuyên bố với những ngôn từ cứng rắn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 4/6 đã phản đối mạnh mẽ điều mà bà gọi là “những bình luận thiếu trách nhiệm” về Biển Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Bà Oánh cũng cáo buộc Mỹ và Nhật Bản có “các động cơ không nói ra”.
Bà Oánh nói Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải, nhưng nói thêm rằng Bắc Kinh “phản đối các quốc gia gây đe dọa đối với an ninh và chủ quyền của Trung Quốc thông qua việc phô diễn lực lượng ở Biển Đông dưới cái cớ tự do hàng hải”.
Người phát ngôn trên còn bao biện rằng Trung Quốc đã có các nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, và đạt được sự đồng thuận với Philippines nhằm giải quyết phù hợp phán quyết của tòa án quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Theo Lầu Năm Góc, những năm qua Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo phi pháp, với diện tích xây dựng lên đến 13ha.
Theo Dân Trí