Bỏ biên chế không quan trọng bằng đổi mới giáo dục

Thứ bảy, 10/06/2017, 10:28
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết hướng sẽ đề xuất chuyển dần giáo viên từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động. Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình phương án này,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục-đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM

Bộ trưởng quyết tâm

Được mời phát biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định, và việc đưa một giáo viên yếu kém ra khỏi bộ máy rất khó khăn.

“Rất khó khăn trong vấn đề phải nâng cao kiến thức, đặc biệt về phẩm chất, năng lực để đáp ứng được nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục không được nâng cao”, Bộ trưởng nói.

Trước tình trạng này, ông Nhạ đặt vấn đề “nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động. Trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện. Sau đó sẽ từng bước rút kinh nghiệm”.

Ông Nhạ tỏ ra quyết tâm khi khẳng định “giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới, vì đây là yếu tố có thể nói là quyết định nâng cao chất lượng giáo dục”.

Dẫn nghị quyết 29 của Ban Chấp hành trung ương khóa XI đã nêu kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt được yêu cầu mới, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm.

Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ lộ trình và chúng tôi thực hiện một cách căn cơ” - ông Nhạ nói.

“Muốn đổi mới 
phải trả giá”

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu thảo luận tại hội trường

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), việc coi cơ sở y tế, giáo dục như các công ty, dự định bỏ biên chế để chuyển sang chế độ hợp đồng là tư duy, mô hình rất mới ở Việt Nam.

“Nhưng mô hình mới chưa chính thức vận hành thì đã xuất hiện những bất cập. Như việc rất nhiều bác sĩ, giáo viên vùng cao, vùng sâu bỏ việc...” - ông Hiếu nói.

Ông đề nghị trước khi thực hiện bỏ biên chế phải xây dựng cơ chế chính sách cụ thể cho các vùng, miền khác nhau. Ông Hiếu đề nghị bỏ biên chế phải cẩn trọng, nếu không có thể sụp đổ mạng lưới đã dày công xây dựng.

“Nếu nói rằng bỏ biên chế tốt hơn thì tôi đề nghị bỏ biên chế trong toàn hệ thống, chỉ để lại các lĩnh vực an ninh, quốc phòng” - đại biểu Hiếu bày tỏ.

Ông Hiếu cho biết hiện nay có rất nhiều phần mềm giảng dạy, quản lý tốt. “Theo tôi, bỏ biên chế trong giáo dục sang hợp đồng không quan trọng bằng đổi mới giáo dục... Nên nhớ đổi mới sẽ phải trả giá cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen” - ông Hiếu nói.

Ông cũng lưu ý quyết định của các nhà quản lý vĩ mô sẽ tiêu một lượng tiền thuế của dân, và hiệu quả không phải ngày một ngày hai thấy được. Ông đề nghị: giáo dục nên mở, đừng ép buộc những tiêu chí cứng nhắc, đừng bắt học sinh trở thành những nhà bác học...

Theo TTO

Các tin cũ hơn