Gặp người đàn ông làm đèn kéo quân "kỷ lục Việt Nam"

Thứ tư, 20/09/2017, 09:09
Mỗi năm khi đến Tết Trung thu, ông Sinh cùng gia đình lại làm đèn kéo quân để bán đi khắp các tỉnh thành. Cách đây hơn 10 năm, ông từng làm chiếc đèn khổng lồ được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.

Theo ông Vũ Văn Sinh (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội), ông bắt đầu làm đèn lồng từ năm 8 tuổi và duy trì nghề cho đến nay. Ở làng ông, làm lồng đèn, đèn Trung thu là nghề truyền thống.

Hàng năm, cứ mỗi dịp Trung thu, gia đình ông Sinh lại bận rộn hơn ngày thường khi các đơn hàng đặt đèn kéo quân từ Hà Nội và các tỉnh liên tục đến. Để đáp ứng lượng đặt hàng, ông Sinh làm việc cả ngày.

Đèn kéo quân gồm 3 bộ phận chính. Khung ngoài làm bằng bìa cứng, các-tông, nhựa... Lồng quay bên trong làm bằng giấy mềm và nhẹ như giấy bóng mờ, giấy can, giấy màu mỏng… (nay có thể cải tiến thành 1 lớp vải mỏng). Lồng quay trang trí hình ảnh để khi quay tạo thành hình ảnh chuyển động (kéo quân).

Sau khi làm xong khung đèn, những tấm vải mỏng sẽ được gắn lên và trang trí thêm những hoa văn họa tiết bên ngoài sao cho đẹp mắt.

Đền thường mang màu nổi như vàng, đỏ, đôi khi có màu trắng. Các chi tiết bên trong đèn được làm rất chắc chắn. Lớp vải mỏng bên ngoài phải được gắn căng mới đạt yêu cầu, để thể hiện tốt bóng in của đoàn quân khi thắp đèn.

Trong 3 bộ phận tạo thành đèn kéo quân, khó nhất là làm trục và tán quay cho đèn. Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để quay được, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Ông Sinh dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ đề chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn. ”Công đoạn này phải người khéo tay, thạo việc mới làm chuẩn được. Nếu không quen, không biết làm là lỗi ngay”, ông Sinh chia sẻ.

Hình "kéo quân" thường là các tướng sĩ xung trận, ông trạng vinh quy bái tổ, tứ linh nhảy múa… Mỗi đèn có một loạt hình "kéo quân" theo câu chuyện khác nhau.

Ông Sinh chia sẻ: "Bây giờ đồ chơi bằng nhựa, đồ chơi điện tử nhiều, trẻ em cũng không mặn mà với đồ chơi dân gian. Nhưng tôi năm nào cũng duy trì làm đèn, dù ít hay nhiều, vì đây cũng là niềm vui giữ nghề truyền thống".

Sau khi lắp ráp đầy đủ các bộ phận hoàn chỉnh, chiếc đèn được trang trí thêm một số điểm nhấn cho sắc sỡ. Khi hoàn thiện, bên trong gồm những hình thể hiện được câu chuyện của người nghệ nhân.


Mỗi đèn một giá, tuỳ theo kích cỡ. Những chiếc nhỏ giá khoảng 150.000 đồng. Năm nay, tuy còn nửa tháng nữa mới tới Trung thu nhưng ông Sinh đã bán hơn 1.000 chiếc đèn kéo quân.

Ông Sinh dự đoán, năm nay nhu cầu đèn kéo quân có thể tăng vì ngày càng có nhiều gia đình muốn tìm đồ chơi dân gian để gợi lại không khí Trung thu xưa.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích