Nghi ngại về khả năng bắn hạ tên lửa Triều Tiên của Mỹ

Thứ hai, 25/09/2017, 11:21
Lá chắn phòng thủ Mỹ khó lòng bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong giai đoạn tăng độ cao, đồng thời chưa hề được kiểm chứng trong thực chiến.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hôm 18/9 cho biết nước này đang cân nhắc bắn hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên, kể cả khi nó không đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ Mỹ hoặc các đồng minh. Tuy nhiên, chuyên gia Joe Cirincione, chủ tịch quỹ Floughshares, cho rằng việc bắn hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên là bất khả thi, theo Defense One.

Một tên lửa Hwasong-12 được Triều Tiên phóng hôm 15/9 bay qua lãnh thổ Nhật Bản, đạt tầm bắn 3.700km và độ cao tối đa 770 km. Với tham số như vậy, quả đạn Hwasong-12 nằm ngoài tầm chiến đấu của toàn bộ lá chắn tên lửa tại châu Á. Độ cao hàng trăm km vượt quá tầm bắn của hệ thống Aegis trên tàu chiến Mỹ và Nhật, cũng như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và Guam, hay hệ thống Patriot PAC-3 tại Nhật Bản.

Các lá chắn này được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong pha cuối hành trình, khi chúng hạ độ cao để lao xuống mục tiêu. Hệ thống Patriot dùng để bảo vệ một khu vực nhỏ như cầu cảng và căn cứ không quân, THAAD có thể bao phủ diện tích vài chục đến hàng trăm km2, trong khi hệ thống Aegis tối tân trên lý thuyết đủ sức ngăn chặn các mối đe dọa trên khu vực rộng hàng nghìn km2.

Tuy nhiên, Patriot và THAAD gần như không có cơ hội bắn hạ tên lửa Triều Tiên khi nó ở trong giai đoạn tăng độ cao. Chiến hạm trang bị Aegis có thể làm được điều này, nhưng phải triển khai rất gần vị trí phóng như trong lãnh hải Triều Tiên. Dù vậy, ngay cả khi ở sát như vậy, khả năng bắn hạ thành công gần như bằng không.

"Không thể bắn hạ tên lửa đạn đạo khi chúng tăng độ cao, trong khi giai đoạn giữa hoặc cuối hành trình là những thời điểm tốt nhất để tiêu diệt chúng", nhà bình luận Gerry Doyle nhận định.

Nếu tên lửa Triều Tiên hướng tới Guam, hệ thống THAAD tại đây sẽ có cơ hội bắn chúng. Trong trường hợp quả Hwasong-12 hôm 15/9, các tàu chiến mang hệ thống Aegis phải chờ đến khi quả đạn bay qua phía Đông Nhật Bản mới có thể giao chiến. Tuy nhiên, việc triển khai tàu tuần dương và khu trục hạm đến đợi Triều Tiên phóng tên lửa sẽ gặp nhiều khó khăn về hậu cần.

Lá chắn tên lửa Mỹ có tỉ lệ thành công thấp ngay cả trong thử nghiệm lý tưởng. Ảnh: USAF.

Một lý do khác khiến giới chuyên gia nghi ngờ tuyên bố của Mỹ là chưa có hệ thống đánh chặn nào trong số này từng trải qua thực chiến. THAAD, Patriot và Aegis tỏ ra hiệu quả trong thử nghiệm, nhưng các thử nghiệm đều được thiết kế để đạt tỷ lệ thành công lớn, với quy trình đơn giản, được dàn dựng sẵn và chỉ sử dụng mục tiêu là tên lửa tầm ngắn.

Với Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) ở bang Alaska và California, tỷ lệ thành công còn thấp hơn. Ngay cả trong điều kiện lý tưởng như biết trước thời gian, đường bay và hình dạng mục tiêu, hệ thống này chỉ có tỷ lệ thành công khoảng 50%.

Thậm chí khi Triều Tiên dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 với đầu đạn đơn giản tấn công Mỹ, nước này cũng chỉ có 50% cơ hội bắn hạ nó. Đó là chưa tính tới khả năng Bình Nhưỡng thu nhỏ đầu đạn và trang bị nhiều mồi bẫy, nhằm đánh lừa lá chắn tên lửa trong pha cuối.

Mối đe dọa tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng là rất rõ ràng. Mỹ cần nhìn nhận thực tế về hệ thống phòng thủ của mình thay vì phóng đại khả năng của chúng, chuyên gia Joe Cirincione nhận định.

Theo VNE

Các tin cũ hơn