Trong tất cả những việc phải hy sinh vì khủng hoảng kinh tế ở Venezuela, không gì có thể khiến Carlos Sandoval buồn hơn là phải ngừng mua sách. "Văn học là cuộc sống của tôi", Sandoval cho biết. Ông là một trong những nhà phê bình văn học nổi tiếng nhất Venezuela, và là giảng viên tại 2 trường đại học hàng đầu nước này.
Nhưng giờ đây, Sandoval chẳng còn tiền để mua sách nữa. "Đây là sự hy sinh kinh khủng nhất", ông nói.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela gần như chẳng chừa một ai trong hơn 30 triệu người dân nước này. Venezuela đang trong thời kỳ lạm phát phi mã. Giá cả tại nước này đã tăng hơn 800%, tính đến hết tháng 10. Năm tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo con số này lên tới hơn 2.300%.
Giá cả tại Venezuela đang tăng rất nhanh. |
Cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn khi thực phẩm, thuốc men khan hiếm, dịch vụ công bị đình trệ và tội phạm tràn lan. Sức mua của họ cũng giảm mạnh khi tốc độ tăng lương kém xa tăng giá.
Tuy nhiên, đủ khả năng mua chỉ là một thách thức. Họ còn phải rút được tiền ra để trả cho chúng nữa.
Đồng bolivar của nước này đang khan hiếm và trở thành cơn ác mộng hàng ngày với người dân. Mọi người phải xếp hàng dài trước các ATM để rút, với số tiền tối đa chỉ tương đương 10 cent Mỹ, theo tỷ giá chợ đen. Chừng đó chỉ đủ trả cho vài chuyến bus.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy nhiều gia đình, cả nghèo lẫn giàu, vào sự lựa chọn khó khăn, khiến họ mỗi ngày đều cảm thấy bất an. Kể cả những hoạt động cơ bản cũng trở nên quá sức chịu đựng.
"Một số việc đơn giản như rút tiền ra khỏi ngân hàng, mua cà phê hay bắt taxi cũng thành một cuộc đua sinh tồn", ông Sandoval cho biết.
Một số người Venezuela đã bắt đầu ví tình hình hiện tại như thời chiến. Dĩ nhiên là theo nhiều mặt nào đó, nó không thể nghiêm trọng bằng.
Thoạt nhìn, cuộc sống ở Venezuela cũng khá bình thường, đối với một người mới đến. Nhìn từ xa, Caracas dường như vẫn giống bất kỳ thủ đô nào khác tại một nước phát triển, với đường sá đông đúc, người dân hối hả đến công ty, các cửa hiệu vẫn mở cửa kinh doanh.
Nhưng nếu nhìn gần, những ấn tượng đó sẽ rất nhanh chóng biến mất. Ở đây chỉ có những người chật vật sống qua ngày.
Sức ép thể hiện rõ nhất với những người nghèo, như bà Beatríz (53 tuổi) - một y tá ở Caracas. Bà đã làm công việc mình yêu mến này suốt gần 2 thập kỷ qua. Dù chỉ kiếm được hơn lương tối thiểu một chút, bà vẫn đủ sức chi trả nhu cầu tối thiểu của mình và 5 người con.
"Khi đó, lương thực chưa bao giờ là vấn đề", bà cho biết.
Tuy nhiên, vài năm trước, Beatríz bị sa thải khi nền kinh tế sa sút. Bà tìm được một công việc lau dọn văn phòng cho một công ty quảng cáo quốc tế. Số tiền bà kiếm được vẫn như khi làm y tá, nhưng giờ không còn đủ chi trả nhu cầu tối thiểu của cả gia đình nữa, dù họ chỉ còn 3 người.
"Chúng tôi phải chọn giữa lương thực và thuốc men", bà nói.
Cũng như nhiều người nghèo khác ở Venezuela, bà đang dần giảm số bữa trong sinh hoạt hàng ngày. Giờ đây, Beatríz chỉ ăn tối, thường xuyên là với một ít gạo, đậu hoặc mỳ.
"Nghe như chuyện bịa, nhưng đó là sự thật. Đây không phải là sống nữa rồi, mà là tồn tại", bà nói.
Người dân Venezuela thường xuyên phải xếp hàng mua thực phẩm. |
Theo Trung tâm Phân tích và Theo dõi Số liệu Lao động, hồi tháng 10, chi phí lương thực cơ bản hàng tháng với gia đình 4 người đã tăng 48%. Việc tăng lương không đủ bù giá cả, khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ trở nên quá tầm với của người tiêu dùng.
David là một thợ cắt tóc 42 tuổi, đã có gia đình với 3 người con. Từ vài năm trước, anh đã cắt giảm chi phí sinh hoạt, từ việc đưa cả nhà đi nghỉ hàng năm, đến mua quần áo mới 2 lần một tháng, đến xem phim.
Cũng như nhiều gia đình khác quanh ngưỡng nghèo, họ đăng ký một chương trình hỗ trợ thực phẩm mỗi tháng một lần của Chính phủ. Tuy nhiên, số lần nhận được đang ngày một giảm đi. Gần đây, họ chỉ còn 2kg đậu đen, chừng đó đường, 1kg bột ngô, 5 lon cá ngừ và 2kg mỳ.
"Với một gia đình 5 người, số thức ăn này hết nhanh lắm", anh nói.
David cũng xếp hàng chờ mua thực phẩm cơ bản, nếu có. Hôm trước, anh thức dậy vào 5h sáng, chờ gần 2 tiếng rưỡi chỉ để mua một bình gas nhỏ. Nhưng khi đến lượt anh, sản phẩm lại hết.
Dù vậy, David không hề buồn phiền hay giận dữ. Anh tỏ ra cam chịu: "Nó như là trong phim ấy. Anh phải làm quen với những thứ trước giờ mình chưa hề quen".
Việc thiếu thốn tiền mặt đang khiến dịch vụ ngân hàng số phát triển mạnh tại Venezuela. Giao dịch qua thẻ tín dụng, thẻ ATM và chuyển khoản qua Internet dần trở nên phổ biến, kể cả ở chợ trên phố.
Hàng đổi hàng cũng là hoạt động phổ biến. Ông Sandoval cho biết một thư ký tại văn phòng trường ông gần đây đã phải đổi một túi bột ngô lấy một bánh xà phòng tắm. Bên cạnh đó, dù phần lớn taxi vẫn nhận tiền mặt, ông Sandoval đã lập được một nhóm tài xế cho phép ông trả qua chuyển khoản.
Để đủ sống, ông đã phải làm rất nhiều việc. Ngoài hai công việc tại 2 trường đại học, và một việc tại nhà xuất bản, ông còn làm tự do, như biên tập tiểu thuyết và dạy viết văn.
Một thập kỷ trước, lương đi dạy của ông đủ trả toàn bộ chi phí ăn ở, thậm chí còn thừa mua vài chiếc quần và mấy đôi giày. "Giờ, để mua một đôi giày, tôi cần tới lương nửa tháng của 2 chỗ. Đấy là trong trường hợp bóng đèn không hỏng", ông nói.
Vợ của Sandoval có hộ chiếu của cả Venezuela và Tây Ban Nha. Bà rất muốn chuyển sang Tây Ban Nha sống. Nhưng ông không đồng ý. "Tôi sẽ chết về mặt tinh thần mất", ông nói, "Cuộc khủng hoảng này sẽ phải biến chuyển thôi. Tôi không chắc là lúc nào, nhưng nó sẽ phải thay đổi".
Theo VNE