Nga cứu Venezuela thoát vỡ nợ khi giá dầu giảm

Thứ năm, 16/11/2017, 10:21
Trong bối cảnh giá dầu giảm, Nga vẫn có thể cứu được Venezuela thoát cảnh vỡ nợ, nhưng sẽ rất khó vực dậy được.

Venezuela khủng hoảng vì giá dầu giảm


Ông Alexei Makarkin Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ chính trị (Nga) nhận định là, cuộc khủng hoảng của mô hình kinh tế Bolivia bộc lộ ngay sau khi giá dầu lao dốc hồi năm 2014, xuống tới mức 30 dollars một thùng; trong khi mức giá vàng đen cần phải lên tới hơn 100 USD mới khiến Caracas có thể "thở phào nhẹ nhõm".

Trong ba năm lại đây, khi dầu bán ra với mức giá thấp hơn 3 lần so với mốc này, Tổng thu nhập Quốc nội (GDP) của Venezuela đã giảm sút tới 36%. Đây là dấu hiệu tiền định rằng, cấu trúc kinh tế mà trong đó 95% dựa vào xuất khẩu dầu mỏ sẽ lâm vào cảnh suy thoái lâu dài.

Venezuela đã đến Nga để cố gắng đạt thỏa thuận về việc tái cơ cấu nợ công, với hy vọng thỏa thuận tiềm năng này sẽ giúp Caracas tránh trượt sâu xuống vực thẳm tài chính.

Trước đó, tháng 10-2017, khi tiến hành chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Nga, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố rằng đất nước ông vẫn bảo lưu khả năng thanh toán và sẵn sàng trả nợ, tuy nhiên ông yêu cầu chính quyền của ông Putin gia hạn nợ cho nước này. Như vậy là Nga và Venezuela đã không bàn đến chuyện xóa nợ mà chỉ gia hạn trả nợ.

Nga hợp tác về kinh tế với Venezuela theo mức độ thân thiết về chính trị Hiện nay, cả chủ nợ lớn nhất của Venezuela là Trung Quốc cũng đồng ý giúp đỡ những người mà họ coi là “theo trường phái cách mạng Bolivia”. Bắc Kinh cho biết, các cuộc đàm phán với người kế nhiệm ông Hugo Chaves là Tổng thống Maduro về nội dung dời chuyển mốc trả nợ hiện đang diễn ra một cách bình thường.

Như vậy, nếu đạt được thỏa thuận gia hạn nợ với Nga và Trung Quốc, cùng với việc thu hút thêm các gói đầu tư khác thì nền kinh tế Venezuela có thể được giải cứu, bất chấp việc phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là cú sốc rất lớn đối với quốc gia này, và nếu “thoát nạn”, chính quyền Caracas nhất định sẽ phải thay đổi cơ cấu của nền kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu. Hãng tín dụng quốc tế Standard & Poor's đã công bố hạ bậc tín nhiệm chủ quyền của Caracas về những chỉ số riêng biệt về kinh tế đến mức D, tức là tương ứng với mức vỡ nợ. Điều này đã khiến chỉ số uy tín kinh tế của Venezuela sụt giảm thê thảm.

Kinh tế phát triển theo độ rủi ro chính trị?

Chuyên gia Makarkin nhận định rằng, ngoài những bài học xương máu đối với Venezuela thì Nga cũng cần phải tỉnh táo hơn khi hợp tác kinh tế có những điều kiện chính trị đi kèm.

Theo đó, trong hàng thập kỷ qua, cùng như đối với nhiều nước khác, ví dụ như Ukraine, vấn đề đáng chú ý nhất là liên kết kinh tế chặt chẽ của Nga với Venezuela đã diễn ra song hành với sự xích lại gần về chính trị với chính quyền của nhà lãnh đạo Hugo Chavez.

Việc phát huy ý tưởng của cuộc "cách mạng Bolivia" trong một khoảng thời gian dài đã diễn ra rất thành công trên châu lục này. Đối với điện Kremlin, "tình bằng hữu" với ông Chavez có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh căng thẳng Nga-Mỹ.

Động thái xích gần về chính trị của Venezuela với Nga trong giai đoạn năm 2000 đã dẫn đến việc ký kết hàng loạt hợp đồng có lợi cho cả hai bên. Moscow đã nhận được quyền tham gia khai thác dầu ở đất nước này.

Và không chỉ có thế, ở Venezuela đã xây dựng nhà máy sản xuất súng tiểu liên Kalashnikov và hàng loạt dự án khác.

Ông Emile Dabagyan chuyên viên khoa học từ Viện nghiên cứu Mỹ Latinh (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) nói rằng, vào thời điểm đó Venezuela cũng bắt đầu mua các sản phẩm công nghiệp của Nga bằng kinh phí từ những khoản tín dụng do Nga cấp. Năm 2011, Caracas vay của Moscow 4 tỉ USD, và sau 6 năm, tổng số nợ đã lên đến 8 tỷ USD.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Sputnik, chuyên gia Alexei Makarkin cảnh báo đề phòng lối tiếp cận đơn giản hóa trong quan hệ với Venezuela và những rủi ro về kinh tế, gắn liền với những biến động chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này.

Theo ông, sẽ không đúng và thiển cận nếu xem đất nước này như kiểu “một bàn đạp” của Nga, dù chỉ vì trong chặng dài nhiều năm Caracas theo đuổi chương trình nghị sự riêng của mình, dựa trên những chuẩn mực giá trị mà Moscow không nhất thiết phải hoàn toàn tán đồng.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn