"Hụi chết" ở các bến xe buýt Sài Gòn: Họp khẩn để xử lý sai phạm

Thứ năm, 16/11/2017, 09:30
Hôm qua (15.11), ngay sau khi Thanh Niên đăng bài “Hụi chết” ở các bến xe buýt Sài Gòn, Sở GTVT TP.HCM đã họp với các đơn vị liên quan để xem xét, xử lý nội dung báo phản ánh.

Cuộc họp do ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, chủ trì. Theo đó, Giám đốc Sở GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung, khẩn trương xử lý các sai phạm tại Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là trung tâm) theo đúng quy định của pháp luật; giao Phòng tổ chức cán bộ tham mưu đình chỉ công tác 15 ngày đối với Phó giám đốc trung tâm phụ trách lĩnh vực điều hành để giải trình phục vụ công tác kiểm tra, làm rõ, xử lý trách nhiệm có liên quan; giao Thanh tra Sở tham mưu lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ trách nhiệm và những thiếu sót, tiêu cực của tập thể, cá nhân liên quan.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng giao Đảng ủy, Ban giám đốc trung tâm kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trung tâm khi để xảy ra sự việc như Báo Thanh Niên phản ảnh; đình chỉ công tác 15 ngày đối với Trưởng phòng điều hành và tất cả viên chức, nhân viên mà Báo Thanh Niên phản ánh để giải trình phục vụ công tác kiểm tra, làm rõ, xử lý trách nhiệm có liên quan, khẩn trương báo cáo Ban Thường vụ, Ban giám đốc Sở ngay trong tháng 11.2017.

Đình chỉ công tác 10 cán bộ, nhân viên

Sở GTVT yêu cầu trung tâm lắp đặt ngay các camera quan sát tại 6 trạm điều hành gồm: Ga hành khách Chợ Lớn, Bến xe Miền Tây, Bến xe Miền Đông, Bến xe An Sương, Ga hành khách Q.8 và Công viên 23.9, hoàn thành ngay trong tháng 11.2017...
Ngay trong ngày 15.11, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Lâm Hải, Phó giám đốc trung tâm, trong thời hạn 15 ngày làm việc để giải trình phục vụ công tác kiểm tra, làm rõ, xử lý trách nhiệm có liên quan. Ông Trần Chí Trung, Giám đốc trung tâm, đã ra 8 quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 8 viên chức, nhân viên của trung tâm trong thời hạn 15 ngày, gồm: Phạm Vương Bảo (Trưởng phòng điều hành của trung tâm); Nguyễn Minh Khoa (chuyên viên); Nguyễn Minh Bạc, Phan Văn Lợi, Nguyễn An Xuân, Lê Quang Hùng, Huỳnh Thiên Bảo và Đặng Ngọc Tĩnh (đều là nhân viên).
Riêng HTX vận tải 19/5 (doanh nghiệp có nhân viên “làm luật”) cũng đã tạm đình chỉ công tác đối với nhân viên Nguyễn Hữu Sĩ, yêu cầu làm tường trình để có hướng xử lý.
Làm rõ tiền chung chi vào túi ai?
Trong một động thái khác, ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Bước đầu chúng tôi sẽ xác minh xem các nhân viên phòng điều hành được phân công chức năng, nhiệm vụ gì; quy trình làm việc đã đúng hay chưa; hành vi nhận “bồi dưỡng” được sử dụng cho mục đích cá nhân hay cho ai?”.
Trả lời câu hỏi vì sao nhân viên “làm luật” tràn lan và diễn ra trong một thời gian dài nhưng không bị phát hiện xử lý, ông Trần Chí Trung nói: “Thông tin này bây giờ tôi mới nghe. Tôi mới chuyển công tác về đây được gần một năm. Trước giờ chưa thấy tài xế, tiếp viên, chủ xe hay đơn vị nào phản ánh bằng văn bản tới trung tâm”.
Theo ông Trung, đơn vị hiện có có 85 phòng điều hành, trong đó kiểm soát trực tiếp là 14 phòng điều hành với 42 nhân viên. Số phòng điều hành còn lại là các trạm đặt tạm bên lề đường, những nơi ít tuyến xe đi qua nên được giao cho nhân viên các doanh nghiệp tự quản lý. Trung tâm chỉ quản lý chung trên hệ thống máy tính. Một ngày trung tâm có 2.200 xe buýt xuất bến.
“Theo quy trình, khi xe buýt vào bến, tại điểm đầu tuyến có nhân viên trung tâm và nhân viên của doanh nghiệp làm nhiệm vụ xác nhận giờ xuất bến, số xe, số seri vé, kiểm tra lái xe, tiếp viên, bằng lái... Tới điểm cuối tuyến, nhân viên phải xác nhận lại các thông tin này một lần nữa để kiểm tra, quản lý. Toàn bộ quy trình này không hề phải nộp bất cứ loại tiền, lệ phí nào cả”, ông Trung nói và khẳng định: “Báo Thanh Niên đã cung cấp thông tin rất chính xác. Thông tin như vậy là quá rõ rồi, trung tâm sẽ xử lý nghiêm những nhân viên vi phạm để làm gương; đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, tiếp nhận thông tin để xử lý nghiêm đội ngũ làm việc tại các phòng điều hành”.
Tương tự, ngay sau khi báo đăng, ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc HTX vận tải 19/5, đã trực tiếp tới Báo Thanh Niên để “cảm ơn Báo Thanh Niên và PV đã nêu được những mảng tối của xe buýt” và chia sẻ thêm một số thông tin. “Đứng về góc độ đơn vị quản lý, lãnh đạo HTX không có chủ trương lấy tiền tiếp viên. Chúng tôi sẽ xử lý cá nhân sai phạm và chấn chỉnh trong toàn đơn vị. Tôi cũng tự nhận khuyết điểm của mình vì lãnh đạo mà thiếu sót và chưa sâu sát để xảy ra chuyện như vậy. Có thể việc chung chi diễn ra lâu nay nhưng tôi nắm không chặt và có thể cấp dưới biết mà lờ đi không báo”, ông Triệu nói.

Yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm

Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết sáng 15.11, khi đọc bài điều tra "Hụi chết" tại các bến xe buýt Sài Gòn trên Thanh Niên, ông lập tức gọi điện cho Giám đốc trung tâm.
“Với tư cách là đại biểu HĐND TP.HCM, tôi có đề nghị trung tâm sớm làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, phải đảm bảo môi trường hoạt động minh bạch”, ông Bình nói.
Chiều 15,11, trả lời Thanh Niên, một Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã giao Sở GTVT chỉ đạo trung tâm khẩn trương kiểm tra những nội dung Báo Thanh Niên phản ánh để có biện pháp chấm dứt ngay tình trạng đóng "hụi chết" này, xử lý nghiêm vi phạm; công khai minh bạch cách cho xe buýt xuất bến trên tất cả các tuyến.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn