|
Tiếp viên xe buýt chen nhau chung 'hụi chết' cho nhân viên phòng điều hành sáng 4.11 tại Bến xe Miền Đông |
Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, như “hụi chết” khiến tiếp viên vô cùng bức xúc.
Từ phản ánh của giới tài xế, tiếp viên xe buýt, PV Thanh Niên đã nhiều ngày chứng kiến và ghi hình cảnh các tiếp viên hằng ngày phải chung tiền “hụi chết” cho nhân viên ở phòng điều hành (PĐH) điểm đầu, cuối tuyến mỗi khi vào ký lệnh vận chuyển (LVC) để xuất bến.
Ba bến xe, một “quy trình”
Nhân viên phòng điều hành (trong ô kính) tại Bến xe Miền Tây cầm tiền từ tiếp viên xe buýt đưa, nhét vào túi, sáng 13.11 |
Nhân viên Trung tâm quản lý và điều hành vận tải HKCC lấy tiền và tờ lệnh vận chuyển từ tiếp viên bên ngoài đưa vào ngày 7.11 tại Bến xe Miền Đông |
Tiếp viên xe buýt thòng tay trao tiền cho nhân viên ở Bến xe buýt Chợ Lớn vào sáng 28.10 |
Đáng lưu ý, theo các tiếp viên, một số tuyến xe buýt tiếp viên sẽ được chủ xe chi trả lại số tiền phải đóng “hụi chết”. Còn một số tuyến thì tiếp viên phải tự bỏ tiền túi ra để chung chi. Nam tiếp viên N.V.A tính toán: Mỗi ngày tiếp viên phải “tổng chi” cho nhân viên ký LVC là 30.000 đồng, trong đó chủ xe sẽ trả lại cho tiếp viên 10.000 đồng, số tiền còn lại tiếp viên tự chịu. “Chỉ trong nghề mới biết, một ngày tiếp viên mất 20.000 đồng để “cho” nhân viên khi vào ký lệnh. Một tháng thành ra mất trắng 600.000 đồng. Mình không đưa tiền thì dễ gì yên thân, bị họ làm khó dễ đủ thứ. Sơ hở là bị lập biên bản nên tôi đành cắn răng chịu đựng”, anh A. bức xúc.
Ông D., một tài xế xe buýt, cũng khẳng định việc lấy tiền của nhân viên PĐH đã có từ lâu. “Tiếp viên, tài xế xe buýt như chúng tôi thức đêm, thức hôm, mỗi ngày phải chạy cả chục chuyến xe. Vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo, nên phải nghiến răng chịu đựng. Sáng ra, tôi lấy tài những chuyến xe đầu tiên. Vừa bước vô là nó (nhân viên PĐH - PV) hoạnh họe. Nếu chúng tôi không xì tiền ra thì nó cầm cái lệnh lật qua, lật lại rồi để tới sát giờ xuất bến mới chịu ký”, ông D. nói.
Theo tìm hiểu của PV, TP.HCM hiện có hàng ngàn xe buýt hoạt động trên gần 150 tuyến, trong đó hơn 100 tuyến xe buýt có trợ giá, với tổng kinh phí trợ giá mỗi năm cả ngàn tỉ đồng. Việc trợ giá xe buýt nhằm đảm bảo giá dịch vụ phương tiện vận tải công cộng này ở mức hợp lý, qua đó thu hút người dân sử dụng. Tiền trợ giá được chi cho doanh nghiệp vận tải. Thế nhưng, như phản ánh của một số tiếp viên, có tình trạng chủ xe phải bỏ tiền san sẻ “hụi chết” với tiếp viên, nghĩa là một phần tiền trợ giá đó doanh nghiệp phải đem đóng “hụi chết”.
Với số tiền chung chi 30.000 đồng/xe/ngày, số tiền “hụi chết” hàng ngàn tiếp viên phải đóng mỗi ngày lên đến hàng chục triệu đồng. Vậy số tiền khổng lồ này rơi vào túi ai? Thanh Niên sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong số báo ngày mai.
|
Theo Thanh Niên