Trong văn bản vừa gửi Bộ Nội vụ về thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương ở cơ quan hành chính các cấp, UBND TP.HCM cũng bày tỏ lo ngại thiếu cấp phó ở các sở, ban, ngành.
Thành phố cho rằng, Nghị định của Chính phủ cho phép số lượng phó giám đốc các đơn vị tại TP.Hà Nội và TP.HCM đến bốn người. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch của các Bộ ngành Trung ương quy định "không quá ba người", không dành riêng cho Hà Nội và TP HCM.
Trong khi đó, TP.HCM với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, là đô thị đặc biệt, khối lượng công việc ngày càng nhiều và có xu hướng tăng lên; mức độ phức tạp của công việc cao đòi hỏi việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình, kế hoạch, pháp luật phải triệt để và chính xác.
"Việc này không đáp ứng yêu cầu thực tế quản lý, điều hành; đã và đang tạo áp lực lớn đối với tổ chức bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố", báo cáo nêu.
TP.HCM hiện có 20 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố, 24 quận huyện, 322 phường xã, đồng thời đang sử dụng biên chế vượt trên 3.000 chỉ tiêu được giao. Làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội hồi tháng 3, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong khẳng định khối lượng công việc của các sở ngành hiện nhiều "khủng khiếp".
TP.HCM kiến nghị Trung ương cho phép số lượng phó giám đốc sở đến bốn người do khối lượng công việc nhiều. |
Trao đổi với PV, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung nhận định, Thông tư của các Bộ ngành Trung ương trái với Nghị định của Chính phủ, khiến thành phố gặp khó nhưng vẫn phải chấp hành.
"Thành phố đang chờ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; sắp xếp, tổ chức bộ máy. Nhưng việc thực hiện giảm cấp phó các sở vẫn phải thực hiện theo lộ trình. Trước mắt sở nào có bốn cấp phó, mà một người nghỉ hưu, sẽ không tăng thêm", ông Trung nói.
Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được Chính phủ trình Quốc hội sáng 14/11. Một trong các nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết là, TP.HCM kiến nghị Chính phủ được cân đối ngân sách để bổ sung khoản hỗ trợ thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức ngoài các khoản lương, phụ cấp.
Ngoài ra, TP.HCM muốn quyết định mức lương phù hợp với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của thành phố.
TP.HCM cũng kiến nghị cho HĐND được quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, đề nghị Chính phủ phân cấp cho UBND được thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị đặc biệt.
Tại dự thảo, UBND TP.HCM đồng thời muốn được điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn để phù hợp với đặc điểm của thành phố.
Nếu được Quốc hội thông qua, TP.HCM dự kiến thực hiện thí điểm cơ chế chính sách đặc thù này trong 5 năm.
Chính phủ đang trình Quốc hội cơ chế đặc thù để phát triển TP.HCM, trong đó có cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ. |
Trong báo cáo Bộ Nội vụ lần này, UBND TP.HCM cũng cho biết, 9 tháng đầu năm đã tinh giản 216 biên chế của các cơ quan. Để giảm được các trường hợp này, năm 2016 UBND TP đã trình HĐND TP giảm 5% trên tổng số biên chế hành chính và số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Để không làm "phình" bộ máy, UBND TP chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, thực hiện nghiêm việc tuyển dụng cán bộ mới không quá 50% số biên chế đã tinh giản. Đồng thời không quá 50% số biên chế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc.
Ngoài tinh giản biên chế, đã có ba cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP được giải thể; giảm 24 phòng, chi cục thuộc các Sở; giảm 28 phòng, trạm trực thuộc Chi cục và giảm 11 đơn vị sự nghiệp.
TP.HCM cũng khẳng định sẽ cơ cấu lại đội ngũ để đưa khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức...
Theo VNE