TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - có những kiến giải cụ thể về cơ chế, chính sách để phát triển TP.HCM được Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 4 này.
TS.Nguyễn Đình Cung: "Lương không phải là yếu tố duy nhất để thu hút người giỏi vào làm việc trong khi bộ máy hành chính vẫn còn rất nặng nề". |
TP.HCM phải có cơ chế đặc biệt hơn cả đặc khu kinh tế!
Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế “vượt khung” cho TP.HCM, từ việc quyết định mức thuế, phí, giữ lại 50% tiền thu từ đất, sử dụng nguồn dư tiền chi cải cách tiền lương, quyền quyết định về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thành phố, quyết mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt... Quan điểm của ông về việc này?
Là một trong hai đô thị lớn nhất cả nước, đầu tàu tăng trưởng, TP.HCM phải là đơn vị đi đầu trong cải cách, phát triển kinh tế thị trường. Ngay tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đang bàn về Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mà một trong những mục tiêu là tạo ra những “phòng thí nghiệm thể chế”. Thế thì tại sao TP.HCM lại không thể là một “phòng thí nghiệm” về cơ chế thị trường, trong khi thành phố đã có những điều kiện nền tảng rất tốt cho việc đó?
Tôi thì nghĩ lẽ ra cần trao cho TP.HCM cơ chế đặc biệt hơn cả đặc khu kinh tế trong việc thử nghiệm thể chế kinh tế thị trường. Bởi vì chính 2 thành phố lớn nhất cả nước mới là trung tâm tăng trưởng, là nơi nuôi dưỡng, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho tầng lớp nhân lực cao, có trình độ thực sự.
Nếu giao cơ chế đặc biệt cho TP.HCM thử nghiệm cơ chế thị trường thì còn tốt hơn nhiều so với mấy đặc khu còn đang manh nha xây dựng.
Nói như vậy, ông cho rằng những đề xuất lần này chưa phù hợp, tương xứng những mục tiêu đề ra?
Tôi cho rằng đề xuất của TP.HCM có thể tạo ra một số điều kiện thuận lợi cho công tác điều hành thành phố, nhưng có lẽ vẫn chưa “tới”. Điều mà TP.HCM rất cần hiện nay là sự chủ động trong công tác cán bộ.
Thành phố cần được trao cơ chế chủ động lựa chọn nhân tài, đãi ngộ xứng đáng để họ phát huy tốt nhất năng lực làm việc. Muốn thế phải thay đổi chức năng nhiệm vụ của các cơ quan thành phố theo hướng thích hợp với phát triển thị trường.
TP.HCM phải là hồ để nước tự chảy vào
Cụ thể về cơ chế để thu hút nguồn nhân lực tốt, đề án đã đề cập đến cơ chế tạo nguồn lương bổ sung đấy chứ, thưa ông?
Lương không phải là yếu tố duy nhất để thu hút người giỏi vào làm việc trong khi bộ máy hành chính vẫn còn rất nặng nề. Tại sao không tạo điều kiện cho thành phố tự quyết định bộ máy, tổ chức thế nào cho hiệu quả nhất? Ngoài ra, thành phố cần được áp dụng cơ chế riêng về đánh giá hiệu quả cán bộ, cái này cũng không khó, các tổ chức tư vấn nước ngoài có thể làm rất tốt.
Rồi, thay vì áp dụng thuế tài sản, thành phố có thể đề nghị được thiết lập định chế để kinh doanh, thương mại hoá tài sản nhà nước trên địa bàn thành phố - mà tôi nhìn thấy TP.HCM đang có tiềm năng rất lớn. Từ đó có thêm nguồn lực cho nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển thị trường.
Nói một cách hình tượng thì TP.HCM cần biến thành một chiếc hồ để nước tự chảy vào. TP.HCM đã có thuận lợi rất lớn là cơ sở vật chất tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao không hề thiếu và rất nhiều tài sản nhà nước có thể thương mại hoá…
Có ý kiến lại lo ngại một “phòng thí nghiệm thể chế” với 7 triệu dân là quá lớn, nếu thí nghiệm không thành công thì hệ quả, mức độ rủi ro cũng lớn?
Đừng nghĩ “thí nghiệm thể chế” thì phải be bé thôi, cho dễ kiểm soát. Tôi thì thấy không có gì phức tạp, nói đô thị lớn thì New York, London chắc còn to hơn, phức tạp hơn, nhưng họ vẫn có nhiều cơ chế đặc biệt so với các địa phương khác.
Vai trò của nhà nước, vai trò thị trường bộc lộ rất rõ. Như thế mới thực sự là cơ chế thuận lợi cho thành phố. Vả lại, như trong dự thảo Nghị quyết đã nêu rõ, ở đây đã khoanh định không gian pháp lý và hành lang pháp lý cho thử nghiệm. Thời gian thí điểm cũng đã được xác định rồi (5 năm, kể từ 2018 – PV).
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí