TP.HCM không muốn kéo dài thời gian thu phí cao tốc Trung Lương

Thứ hai, 13/11/2017, 13:53
Lo ngại dư luận bức xúc, UBND TP.HCM đề nghị Trung ương cân nhắc việc kéo dài thời gian thu phí ở cao tốc Trung Lương.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, UBND TP.HCM thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về việc sớm hoàn thành dự án đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Điều này góp phần giảm ùn tắc cho Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, thành phố kiến nghị cân nhắc việc hỗ trợ đầu tư cho dự án bằng cách thu giá dịch vụ đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong 8 năm 2 tháng, với mức giá khởi điểm 1.700 đồng/PCU/km (PCU là đơn vị xe con quy đổi, lấy ôtô 5 chỗ làm chuẩn).

"Trạm này đang có thời gian thu phí tương đối dài (dự kiến đến 2033) và đặt rất gần trạm thu phí trên Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc trên địa bàn TP.HCM", TP.HCM nêu lý do, e ngại động thái này của Bộ khiến dư luận sẽ bức xúc.

Quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được bán cho Công ty Yên Khánh trong vòng 5 năm với giá hơn 2.000 tỷ đồng.

Trạm thu phí đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện tại nằm ở khu vực Chợ Đệm, huyện Bình Chánh (TP.HCM), cách Trạm thu phí An Sương - An Lạc (thuộc Quốc lộ 1 tại Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) chưa đến 20km.

Trước đó, cuối năm 2013 Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh đã mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương (4 trạm trên tuyến đường là Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa) trong 5 năm với giá trị hợp đồng hơn 2.000 tỷ đồng.

Việc thu phí cao tốc này bắt đầu từ ngày 1/1/2014 và theo kế hoạch đến ngày 1/1/2019 sẽ hết hạn. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian thu phí của trạm này nhằm hỗ trợ đầu tư cho 2 tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 62km gồm 6 làn xe, được thiết kế với vận tốc 120 km/h, kinh phí xây dựng hơn 9.000 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc đầu tiên dành cho ôtô được thông xe ngày 3/2/2010 giúp rút ngắn thời gian từ TP.HCM đến Tiền Giang chỉ còn 30 phút, thay vì 90 phút trước.

Nhưng chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện rất nhiều "ổ voi", "ổ gà" khiến Thanh tra Bộ Giao thông phải vào cuộc, buộc sửa chữa.

Theo VNE

Các tin cũ hơn