Doanh nghiệp dọa rút nhà máy nếu cho lò thủ công hoạt động

Thứ hai, 13/11/2017, 14:11
Các nhà máy giết mổ cho rằng việc TP.HCM dự định cho một lò mổ thủ công ở Hóc Môn hoạt động trở lại là bất ngờ và chủ lò mổ Xuyên Á dọa "có thể rút về Long An".

TP.HCM là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước, việc đặt lò mổ ở nơi khác như các chủ lò mổ tính liệu có thực tế và mang lại hiệu quả cao nhất? Trong ảnh: một lò mổ gia súc ở TP.HCM

Ngày 12-11, đại diện một số chủ lò mổ đã mời báo chí đến trao đổi và khẳng định không đồng tình với chủ trương của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tính cho Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn được hoạt động dây chuyền giết mổ thủ công với công suất 2.000 con/ngày.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, chủ đầu tư lò mổ Xuyên Á, cho rằng đó là "quyết định quá bất ngờ" vì theo Quyết định số 2032/QĐ-UBND năm 2016 thì tất cả các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu chỉ được phép hoạt động tạm và phải đóng cửa theo lộ trình.

Do đó, việc các cơ quan chức năng chấp thuận cho Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn được giết mổ thủ công ở cơ sở mới, dù là tạm thời, cũng là không đúng.

Đồng tình, ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hiệp, chủ đầu tư dự án Nhà máy thực phẩm Tân Hiệp (Hóc Môn), cũng không đồng tình vì trước đây TP.HCM đã đóng cửa một số lò thủ công như Nam Phong, nay lại cho khôi phục lò mổ thủ công khác.

"Điều này làm thiệt hại cho các nhà đầu tư các nhà máy công nghiệp như chúng tôi vì đã bỏ một khoảng thời gian quá dài (gần 10 năm) theo đuổi dự án và bỏ tiền mua máy móc hiện đại", ông Quang nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cũng cho biết dự án giết mổ công nghiệp mà An Hạ đầu tư tại Củ Chi có số vốn trên 300 tỉ đồng, hợp đồng mua thiết bị từ châu Âu đã được ký nhưng vấp phải thủ tục quá nhiêu khê.

Bà Thắm cho rằng nếu TP.HCM chỉ giải quyết cho nhà máy thủ công này hoạt động tạm mà không giải quyết cho Công ty An Hạ, công ty sẽ xin dừng dự án đang xây dựng ở TP.HCM để chuyển sang Long An.

Trả lời Tuổi Trẻ về phản ứng của các chủ lò mổ, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, khẳng định việc đề nghị nói trên là do phía Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đưa ra.

Theo bà Lan, chủ trương của TP.HCM là xây dựng lò mổ hiện đại, thay thế các lò mổ thủ công, vì thế "nếu áp dụng nguyên tắc không cho lò mổ không đủ điều kiện hoạt động thì phải áp dụng hết".

Bà Lan nói rằng ngay cả lò mổ Xuyên Á "về bản chất cũng chưa đạt chuẩn", nhưng được ưu tiên cho hoạt động.

Xuyên Á chính là nơi xảy ra sự việc 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần và bị tạm ngưng hoạt động khiến thiếu nơi giết mổ heo, thương lái phải đưa heo về nhiều lò mổ nhỏ ở các tỉnh thành lân cận TP.HCM.

Vì vậy, việc cho Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn hoạt động lò mổ thủ công tạm thời, theo bà Lan, là cách giải quyết tình thế.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng thú y, phải tăng cường kiểm tra, giám sát và khi nào thành phố xây dựng được các lò mổ hiện đại và đưa vào hoạt động thì "phải kiên quyết đóng cửa các lò mổ thủ công".

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích