Đảo lớn nhất Việt Nam đã sẵn sàng trở thành đặc khu

Thứ hai, 13/11/2017, 10:45
Trả lời PV, ông NGUYỄN THANH NGHỊ - bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, khẳng định đã chuẩn bị các điều kiện cơ bản nhất để xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

Phú Quốc đang chuyển mình trở thành đặc khu kinh tế và du lịch nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế

Đồng thời, ông Nghị cũng thừa nhận "đảo ngọc" Phú Quốc đang phải đối mặt với những thách thức trong bảo vệ môi trường trước tốc độ phát triển "nóng".

Ông cho biết: "Đề án thành lập "Đơn vị hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang" là kết quả của quá trình chỉ đạo và thực hiện gần 10 năm qua của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang".

"Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và hai tiểu ban nghiên cứu các nội dung đề án. Quá trình chuẩn bị đề án đã nhận được sự đóng góp rộng rãi của các bộ, ngành trung ương; các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; các doanh nghiệp, doanh nhân".

"Đặc biệt, để củng cố lý luận và cơ sở thực tiễn, làm cơ sở để đề xuất mô hình tổ chức, bộ máy, cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo bước phát triển đột phá, bền vững cho đơn vị HC-KT đặc biệt Phú Quốc, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế".

"Đến nay, đề án cơ bản hoàn thành, đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đồng thuận, đã trình Bộ Nội vụ thẩm định và tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong thời gian sắp tới".

Phú Quốc đang chuyển mình trở thành đặc khu kinh tế và du lịch nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế

Sẽ thất bại nếu thiếu chính sách cạnh tranh toàn cầu

Bên cạnh sự ủng hộ, có những ý kiến hoài nghi về sự thành công của các đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Phú Quốc, bởi VN thành lập đặc khu sau các quốc gia khác nhiều thập kỷ, đặc biệt vào thời điểm khi mà nền kinh tế VN đã rất "mở", nhiều FTA được ký kết, do đó các chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư không còn nhiều ý nghĩa cạnh tranh. Ông giải thích như thế nào với những người hoài nghi?

Theo đánh giá của các chuyên gia, đúc kết từ thực tiễn trong nước và trên thế giới, cho thấy một số đặc khu kinh tế không thành công thường do những nguyên nhân chủ yếu như thiếu quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao; thiếu khát vọng và nhiệt huyết của chính quyền và nhân dân nơi xác định xây dựng đặc khu kinh tế;

Vị trí lựa chọn không đúng; xác định phát triển ngành nghề chưa thực sự phù hợp với tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa điểm được lựa chọn xây dựng đặc khu kinh tế;

Không có luật riêng; thiếu cơ chế, chính sách đủ sức cạnh tranh toàn cầu - chủ yếu dựa vào thời gian miễn hoặc ưu đãi thuế và tiền thuê đất;

Thiếu sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư phát triển hạ tầng kết nối vào đặc khu kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông; chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược và chưa có sự vào cuộc thực sự của khu vực tư nhân;

Tổ chức bộ máy hành chính cồng kềnh, chồng chéo; quy trình thủ tục thiếu minh bạch; năng lực quản lý kém để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, trốn thuế, buôn lậu...; chưa có cơ chế hợp tác công - tư phù hợp trong phát triển hạ tầng cho đặc khu kinh tế.

Những bài học nêu trên đã được ban chỉ đạo xây dựng đề án cho nghiên cứu, phân tích kỹ. Các so sánh cho thấy Phú Quốc hội tụ nhiều thuận lợi và tiềm năng để xây dựng, phát triển mô hình đơn vị HC-KT đặc biệt.

Với cơ chế ưu đãi đặc thù như cùng mô hình quản trị hiệu quả của đơn vị HC-KT đặc biệt như trong dự thảo Luật đơn vị HC-KT đặc biệt và nội dung đề án, chúng ta có niềm tin Phú Quốc sẽ hướng đến tương lai phát triển năng động, bền vững và là điểm đến được lựa chọn để du lịch và đầu tư.

Vậy Phú Quốc có những gì đặc biệt nhất, để có thể áp dụng các chính sách "vượt trội, minh bạch, cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất" như chính mục tiêu đề án đặt ra?

Phú Quốc là đảo lớn nhất VN, có vị trí nổi bật trong vịnh Thái Lan với điều kiện thuận lợi về khí tượng thủy văn, có bờ biển dài bao quanh đảo với nhiều bãi biển đẹp; có nhiều đồi núi và rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật phong phú cộng với hệ sinh thái biển rất đa dạng; có sông suối và nguồn nước ngọt bảo đảm cho sinh hoạt và phát triển sản xuất…

Đảo ngọc Phú Quốc cũng gắn với truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, với những di tích lịch sử, văn hoá được bảo tồn. Đó là những ưu thế nổi bật để hoạt động du lịch quanh năm.

Phú Quốc có diện tích mặt biển giáp với các nước ASEAN, gần đường vận chuyển hàng hóa quốc tế từ Đông sang Tây, cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay, rất gần với các trung tâm du lịch phát triển và công nghiệp của các nước trong khu vực.

Do đó, Phú Quốc có lợi thế phát triển giao thông vận tải đường thủy, đường không; có khả năng kết nối nhanh tới không chỉ các thành phố, khu vực kinh tế lớn trong nước mà còn vươn tới các thành phố quốc tế lớn; là điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại mậu dịch với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển Phú Quốc đã được đầu tư một bước quan trọng, như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc bảo đảm hoạt động cho các loại máy bay hiện đại nhất hiện nay; Cảng hành khách quốc tế sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2018 sẽ tiếp nhận các tàu du lịch đường biển hiện đại; Cảng biển quốc tế, hệ thống tàu vận tải và tàu cao tốc bảo đảm vận chuyển hàng hóa, phương tiện, hành khách đi lại thường xuyên giữa Phú Quốc với đất liền.

Bên cạnh đó, hệ thống điện lưới quốc gia đã đảm bảo cung cấp cho nhu cầu sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng; hạ tầng viễn thông hoàn chỉnh, hệ thống đường giao thông chính trên đảo, hệ thống cung cấp nước sạch, dịch vụ tài chính ngân hàng, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, bệnh viện đa khoa quốc tế, các cơ sở đào tạo...

Cần mạnh dạn thực hiện thể chế, chính sách mới

Trở ngại lớn nhất đối với dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là sự "xung đột" về nội dung các quy định của luật này với hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta, đặc biệt là đề án thành lập đặc khu Phú Quốc cho thấy sự khác biệt rất rõ như về chính sách tiền lương, thuế, tiền tệ, chế độ lao động, sở hữu nhà ở và đất đai… Xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi nghĩ Luật đơn vị HC-KT đặc biệt áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) nên cần mạnh dạn thực hiện thể chế, chính sách mới, đặc biệt, vượt trội, cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các điều ước quốc tế mà VN là thành viên và cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, cho dù chính sách đặc thù như thế nào thì nguyên tắc cao nhất vẫn là Phú Quốc phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phải đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Đề án thành lập đơn vị HC-KT đặc biệt Phú Quốc đề xuất các cơ chế, chính sách áp dụng cho Phú Quốc cũng trên quan điểm đó nhằm quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp để phát triển ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phù hợp với đặc điểm, tình hình và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Phú Quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang thừa nhận sự tác động môi trường ở một số khu vực của Phú Quốc đang ở mức độ đáng quan ngạ

Sự phát triển của Phú Quốc bắt đầu "nóng" lên từ khi có chủ trương xây dựng đặc khu, trong đó có hai vấn đề lo ngại nhất là nguy cơ quy hoạch bị "băm nát" và môi trường bị ô nhiễm? Các vấn đề này được kiểm soát như thế nào?

Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ năm 2015. Tỉnh đã và đang chỉ đạo, quản lý thực hiện nghiêm theo quy hoạch này.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sắp tới tỉnh sẽ rà soát đánh giá lại quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển mới.

Trong thời gian qua, với sự phát triển nhanh, nhiều công trình xây dựng và số lượng lớn lao động, khách du lịch đến Phú Quốc nhưng với nguồn lực và khả năng quản lý hạn chế, những tác động tiêu cực đến môi trường một số khu vực ở Phú Quốc rất đáng quan ngại, đòi hỏi phải tăng cường quan tâm hơn nữa và có giải pháp hiệu quả để môi trường không bị ô nhiễm.

Với định hướng phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao thì môi trường đối với Phú Quốc đặc biệt quan trọng. Trong quá trình phát triển, nếu không được kiểm soát quản lý chặt chẽ sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông NGUYỄN THANH NGHỊ

Tỉnh đã kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, chất thải, kiểm soát các phương án về môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức tuyên truyền vận động, kêu gọi người dân nêu cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường…

Kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng thân thiện môi trường, sử dụng năng lương sạch; bảo vệ rừng nghiêm ngặt và giữ độ che phủ rừng trong đạt 65%.

Với quyết tâm và đầu tư xứng đáng, tôi tin là khi trở thành Đơn vị HC-KT đặc biệt, Phú Quốc đảm bảo là khu vực có môi trường "xanh, sạch, đẹp", là nơi đảm bảo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước đến vui chơi, nghỉ dưỡng.

Theo TTO

Các tin cũ hơn